10 năm chưa xong phần dân sự trong vụ án hình sự

Phan Thương
Phan Thương
04/11/2020 08:20 GMT+7

Bị cáo dùng tiền chiếm đoạt để mua đất. Về phần dân sự và xử lý vật chứng này, trong 10 năm, với 5 bản án nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng.

Thời điểm cuối tháng 10.2020, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục tạm dừng phiên xử phần dân sự trong vụ án hình sự bị cáo Hoàng Thị Lệ Quyên phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để triệu tập người liên quan là bà Phùng Khánh Ngân, để làm rõ về 4 tỉ đồng - là vật chứng của vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, người bị hại là bà Đặng Thị Liên bị Hoàng Thị Lệ Quyên lừa đảo chiếm đoạt gần 12 tỉ đồng. Quá trình điều tra, bà Liên đã nhận lại 1 tỉ đồng nên thiệt hại giảm xuống còn gần 11 tỉ đồng.
Năm 2013, Quyên bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên y án chung thân. Riêng phần dân sự và xử lý vật chứng thì bị hủy, giao về cấp sơ thẩm là TAND TP.HCM để xét xử lại.
Trong gần 11 tỉ đồng chiếm đoạt, bị cáo Quyên đã sử dụng một số để thực hiện các giao dịch như: đưa ông Nguyễn Xuân Mỹ 500 triệu đồng để đặt cọc mua một lô đất; đưa 100 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Lệ để cọc mua đất; dùng gần 1,2 tỉ đồng trả nợ cho bà Nguyễn Thị Châu.
Ngoài ra, bị cáo Quyên dùng 900 triệu đồng mua gần 600 m2 đất tại Long Thành, Đồng Nai; dùng 1,2 tỉ đồng mua hơn 800 m2 tại Đồng Nai, sau đó bán lại cho bà Phùng Kháng Ngân; dùng 2,8 tỉ đồng mua một lô đất cao su của bà Phùng Khánh Ngân. Sau đó giao dịch mua bán này được hủy và số tiền trên Quyên dùng để cấn trừ nợ đối với bà Ngân.

5 bản án vẫn chưa xong

Về xử lý vật chứng trên, qua 6 bản án đều có những nhận định và cách xử lý khác nhau, các bản án trước liên tục bị bản án sau hủy để xét xử lại.
Và gần nhất, năm 2016, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM nhận định để giải quyết về phần dân sự trong vụ án hình sự, cần áp dụng luật Tố tụng dân sự để giải quyết.
Theo đó, TAND cấp cao tại TP.HCM nhận định 600 triệu đồng của ông Mỹ và bà Lệ nhận từ Quyên, 2 người này đồng ý trả lại cho người bị hại nên HĐXX ghi nhận.
Riêng gần 1,2 tỉ đồng Quyên dùng trả nợ cho bà Châu, cấp sơ thẩm cho rằng đây là giao dịch dân sự, ngay tình, bà Châu không biết nguồn gốc tiền là do Quyên phạm tội mà có nên bà Châu không phải chịu trách nhiệm nộp tiền lại. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm đánh giá, đây không phải là giao dịch dân sự, tiền bà Châu nhận là tiền Quyên có được từ hành vi lừa đảo bà Liên, vì vậy cần thu hồi để trả lại cho người bị hại trong vụ án hình sự.
Đối với 3 giao dịch mua đất và cao su tại Đồng Nai, tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại cung cấp chứng cứ mới thể hiện giao dịch không hợp pháp; file ghi âm thể hiện việc đối trừ nợ, rồi chuyển nhượng lại cho bên thứ 3, là có sự bàn bạc, nhằm tẩu tán tài sản có được từ tiền lừa đảo nên các giao dịch này không phải giao dịch ngay thẳng.
Từ đó, cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2014 của TAND TP.HCM.

Bàn bạc, tẩu tán tài sản mua từ tiền phạm tội !?

Sau khi hồ sơ trở về lại TAND TP.HCM, thẩm phán thụ lý vụ án đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, đề nghị Viện KSND TP.HCM trưng cầu giám định để làm rõ các giao dịch chuyển nhượng có ngay tình, hợp pháp hay không. 
Tuy nhiên, sau đó, Viện KSND TP.HCM có văn bản trả lời, cho rằng cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án, giao cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo khoản 3 Điều 308 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Vì vậy, theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc TAND TP.HCM.
Từ đó, căn cứ vào hồ sơ vụ án, TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ án ra xét xử và nhận định, hành vi Quyên dùng tiền phạm tội mà có để thực hiện các giao dịch dân sự là trái pháp luật nên cần phải thu hồi để trả lại cho người bị hại là bà Đặng Thị Liên.
Riêng 1,2 tỉ đồng Quyên dùng mua 805 m2 đất tại Đồng Nai, sau đó Quyên chuyển nhượng cho bà Phùng Kháng Ngân để đối trừ nợ. Mảnh đất này bà Ngân được cấp sổ và chuyển nhượng cho người khác. Vì vậy, tòa buộc bà Ngân trả lại 1,2 tỉ đồng cho Quyên để thi hành án bồi thường cho bà Liên.
Khoản tiền 2,8 tỉ đồng Quyên dùng mua một lô cao su 20 ha của bà Phùng Khánh Ngân, theo tòa, sau đó việc mua bán được hủy bỏ và bà Ngân đã trả lại tiền cho Quyên nên TAND TP.HCM không xem xét trách nhiệm của bà Ngân. 
Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm trên, bà Liên tiếp tục kháng cáo, cho rằng bà đã cung cấp chứng cứ là file ghi âm về cuộc trò chuyện giữa bà Liên, bà Ngân và bà Châu, trong đó bà Ngân thừa nhận, biết tiền Quyên mua 805 m2 đất và 20 ha cao su là có từ hành vi phạm tội nên các bên đã bàn bạc hủy giao dịch mua bán, chuyển sang cấn trừ nợ, đồng thời “tăng tốc” bán tài sản cho người khác nhằm tẩu tán tài sản.
Theo bà Liên, việc cấn trừ nợ và mua bán các tài sản liên quan đến bà Ngân là có sự bàn bạc giữa Quyên, bà Ngân nên các giao dịch hình thành là bất hợp pháp nên cần vô hiệu.

Thẩm phán có quyền trưng cầu giám định

Theo luật sư Ngô Duy Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), vì nội dung liên quan đến vụ án là phần dân sự trong vụ án hình sự, nên quá trình giải quyết phần dân sự sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.
Và theo Điều 102 bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, xét thấy cần thiết, chính thẩm phán có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, mà không cần trả hồ sơ đề nghị Viện KSND TP.HCM trưng cầu giám định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.