17 con trâu bò bị đánh cắp, kẻ trộm lãnh án tù, người tiêu thụ 'vô can'

15/08/2024 18:19 GMT+7

Kẻ trộm cắp lãnh án tù vì lén lút chiếm đoạt 17 con trâu, bò. Người dân bị mất tài sản thì cho rằng cần xử lý cả đầu mối tiêu thụ chứ không thể 'vô can'.

Ngày 15.8, TAND H.Ứng Hòa (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trình Hữu Thịnh (30 tuổi, trú tại H.Thanh Trì) mức án 13 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Bị cáo còn phải bồi thường cho các bị hại giá trị tài sản trộm cắp theo kết quả định giá của cơ quan chức năng.

17 con trâu bò bị đánh cắp, kẻ trộm lãnh án tù, người tiêu thụ 'vô can'- Ảnh 1.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trình Hữu Thịnh mức án 13 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản

PHÚC BÌNH

Kẻ trộm bị bắt, người tiêu thụ "vô can"

Theo nội dung vụ án, đầu năm 2024, Thịnh thường xuyên điều khiển xe máy lượn lờ trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội, tìm kiếm nhà ai chăn bò sơ hở thì bắt trộm, bán lấy tiền tiêu xài.

Mỗi khi phát hiện mục tiêu, Thịnh sẽ liên hệ với công ty vận tải, thuê ô tô để vận chuyển bò từ khu vực trộm cắp đến nơi tiêu thụ.

Chỉ trong vòng 1 tháng (12.1 - 16.2), Thịnh thực hiện liên tiếp 13 vụ trộm, gồm 16 con bò và 1 con nghé (trâu con). Trong số này, 2 con bò đang dắt thì bị xổng, 1 con bị người dân phát hiện kịp thời nên Thịnh bỏ lại.

Kết quả định giá xác định số bò và nghé mà Thịnh ăn trộm có tổng giá trị hơn 392 triệu đồng, con thấp nhất 15 triệu đồng, cao nhất 29 triệu đồng.

Sau khi trộm cắp thành công, Thịnh mang toàn bộ số bò và nghé (không tính 3 con bỏ lại) bán cho ông N.V.Đ - một người chuyên mua bán trâu, bò ở tỉnh Thái Nguyên. Giá bán thấp hơn định giá rất nhiều, chỉ từ 9 - 12 triệu đồng/con.

Thu lợi bất chính khoảng 140 triệu đồng, Thịnh trả tiền thuê xe hết 24 triệu đồng, còn đâu tiêu xài cá nhân. Đến nay, tài khoản bị cáo còn hơn 9 triệu đồng, đã bị phong tỏa. Thịnh chưa bồi thường đồng nào cho những người bị mất bò.

Quá trình giải quyết vụ án, Thịnh là người duy nhất bị xử lý hình sự. Người tiêu thụ và người được Thịnh thuê vận chuyển số bò đều "vô can".

Tại tòa, Trình Hữu Thịnh thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Do không quen ai, Thịnh lên mạng internet tìm ngẫu nhiên thông tin người vận chuyển và người mua bò. Khi liên hệ, Thịnh không nói bò do mình trộm cắp, nên những người này đồng ý giao dịch.

Mỗi lần trộm bò, Thịnh sẽ gửi định vị cho tài xế đến chở, đồng thời chụp ảnh con bò gửi cho ông N.V.Đ xem, thống nhất mức giá. Tiếp đó, thuê xe chở bò từ Hà Nội lên Thái Nguyên, giao cho ông Đ.

Có khoảng 10 người dân là bị hại đến tòa, phần lớn đều tuổi cao sức yếu. Số bò bị Thịnh ăn trộm là tài sản lớn nhất trong gia đình họ, tích cóp qua nhiều năm mới có được.

Các bị hại đề nghị xử lý nghiêm đối với Thịnh, yêu cầu được bồi thường thỏa đáng. Đặc biệt, họ kiến nghị xem xét xử lý những người liên quan đến hành vi phạm tội của Thịnh, nhất là ông N.V.Đ - người đã mua toàn bộ số bò trộm cắp, và người chở bò thuê.

"Tất cả bò đều bán cho duy nhất đầu mối là ông Đ., nếu người này vô can thì rất vô lý. Theo lẽ thường, giá thịt bò ở Hà Nội đắt hơn, nhưng không hiểu lý do gì bị cáo phải thuê xe chở bò từ Hà Nội lên tận Thái Nguyên để bán", ông Nguyễn Văn Học (70 tuổi), người bị trộm 2 con bò, nói.

"Hà Nội rất nhiều điểm thu mua, vì sao phải chở bò lên tận Thái Nguyên?"

Được triệu tập tới tòa nhưng ông N.V.Đ vắng mặt. Hội đồng xét xử công bố lời khai, cho thấy ông này thừa nhận mua bò từ Trình Hữu Thịnh. Khi giao dịch, Thịnh không nói gì về nguồn gốc nên ông này không biết đây là tài sản trộm cắp.

Tham gia bảo vệ quyền lợi cho những người dân bị mất bò, luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Hãng luật Lê Hồng Hiển, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng việc mua bán bò giữa Thịnh và ông Đ. có nhiều điểm bất minh, không ngay tình.

Thứ nhất, Hà Nội có rất nhiều điểm thu mua nhưng tất cả những lần phạm tội bị cáo đều cất công thuê xe chở bò lên tận Thái Nguyên, với quãng đường 140 - 170 km, mất 2 - 3 tiếng di chuyển, để bán duy nhất cho ông Đ. Giá bán cũng rất bất thường, thấp hơn nhiều so với kết quả định giá, và càng thấp hơn so với giá trị trường.

Thứ hai, ông Đ. khi mua bò từ Thịnh liệu có nghi ngờ về nguồn gốc của những con bò hay không, hồ sơ vụ án không thể hiện điều này. Cạnh đó, ông Đ. và Thịnh có nhiều tin nhắn trao đổi qua Zalo, nhưng đến nay các tin nhắn đã bị xóa hết. "Nếu minh bạch, sao phải làm vậy?", luật sư đặt nghi vấn.

Thứ ba, lời khai của Thịnh cho thấy 2 bên mua bán bò chỉ bằng hình ảnh gửi qua điện thoại, rất vô lý. Với một người mua bình thường, họ sẽ phải trực tiếp quan sát, đánh giá rồi mới đưa ra mức tiền, nhưng ông Đ. thì ngược lại. Ông Đ. là người mua bán bò chuyên nghiệp, kiếm sống bằng nghề này, nên càng không thể dễ dàng như vậy.

Ý kiến của luật sư được nhiều bị hại ủng hộ. Họ dẫn thực tế nuôi và bán bò nhiều năm qua, rằng thương lái nếu mua đều trực tiếp đến tận nhà, xem tận mắt kích thước, giống bò, đực hay cái, mang thai hay không…, chứ không bao giờ chỉ xem qua ảnh rồi trả giá ngay.

Vẫn theo luật sư Quỳnh, ngoài ông N.V.Đ, cơ quan tố tụng cần xem xét trách nhiệm với cả người được bị cáo nhiều lần thuê xe chở bò đi bán. Mỗi lần thuê, bị cáo gửi định vị một vị trí khác nhau, khi thì giữa cánh đồng, lúc trên đường…, nếu nói không có sự nghi ngờ nào là không hợp lý.

Cho rằng vụ án "có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm", luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, quan điểm trên không nhận được sự đồng tình của đại diện viện kiểm sát. Theo kiểm sát viên, lời khai của ông Đ. cho thấy ông này không biết về nguồn gốc số bò nên hành vi không cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tương tự, những người được bị cáo thuê chở bò không hứa hẹn trước, không biết đây là tài sản trộm cắp, nên không phải đồng phạm.

Hội đồng xét xử khi tuyên án cũng xác định Thịnh là người phạm tội duy nhất trong vụ án. Do ông Đ. và người được thuê vận chuyển không có sự bàn bạc, không biết nguồn gốc tài sản…, vì thế không có căn cứ xử lý .

Những con bò bị trộm cắp đang ở đâu?

Theo cáo trạng, sau khi mua bò từ Trình Hữu Thịnh, ông N.V.Đ bán cho nhiều người khác, đều liên hệ qua các hội nhóm trên mạng internet. Đến nay, ông Đ. không nhớ đã bán cho ai, ở đâu. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy tìm vật nhưng không có kết quả.

Luật sư Chu Thị Út Quỳnh cho rằng cơ quan tố tụng chưa triệt để trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi tài sản cho người dân.

Bởi lẽ, ông N.V.Đ khi bán bò có sử dụng số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Cơ quan điều tra có thể khôi phục dữ liệu lịch sử cuộc gọi, tin nhắn, sao kê tài khoản… để làm rõ đường đi của tài sản trộm cắp. Nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện việc này.

Nhiều người dân bị mất bò còn đề nghị trưng cầu giám định lại đối với tài sản bị trộm cắp. Họ nói mức giá theo kết luận định giá thấp hơn giá trị trường, nên chưa đảm bảo quyền lợi.

Đối đáp lại, đại diện viện kiểm sát khẳng định kết quả định giá là phù hợp và có căn cứ. Cơ quan tố tụng rất muốn làm rõ triệt để vụ án, đã áp dụng các biện pháp tụng cần thiết, kết quả điều tra đến nay như hồ sơ vụ án thể hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.