2 lần tăng giá điện, EVN vẫn lỗ 17.000 tỉ đồng

02/01/2024 19:08 GMT+7

Để xảy ra thiếu điện trong mùa khô năm 2023 là bài học đắt giá đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đảm bảo cung ứng điện vẫn là nhiệm vụ cam go trong những năm tới, chứ không riêng gì năm 2024.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra ngày 2.1.

Chủ tịch EVN: 'Đảm bảo cung ứng điện là nhiệm vụ cam go'- Ảnh 1.

Lãnh đạo EVN cho rằng đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024 là nhiệm vụ cam go

T.N

2 lần tăng giá điện, EVN vẫn lỗ 17.000 tỉ đồng

Theo EVN, năm 2023, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,6 tỉ kWh, tăng 4,56% so với năm 2022; điện thương phẩm ước đạt 251,25 tỉ kWh, tăng 3,52%. Doanh thu bán điện ước đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022. Giá trị nộp ngân sách của EVN trong năm 2023 ước đạt 21.000 tỉ đồng.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cho biết 2 vấn đề thách thức lớn nhất của EVN hiện nay là cân bằng tài chính và đảm bảo cung ứng điện.

Trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện. EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất, kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

Theo văn bản EVN gửi báo cáo Bộ Công thương, tính đến hết năm 2023, tập đoàn này ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất khoảng 17.000 tỉ đồng, giảm 9.000 tỉ đồng so với năm 2022.

Tổng giám đốc EVN cho rằng số lỗ trên chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Theo tính toán của EVN, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân là 1.950,32 đồng/kWh. Theo đó, cứ mỗi kWh bán ra, EVN đang chịu lỗ 142,5 đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, năm 2024, EVN lên kế hoạch yêu cầu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với GDP tăng 6 - 6,5%. Nhưng thực tế tình hình cung ứng điện trong năm nay sẽ rất khó khăn. Bởi hiện nay, EVN và các tổng công ty phát điện chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện.

Chủ tịch EVN: 'Đảm bảo cung ứng điện là nhiệm vụ cam go'- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị

P.H

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An đã nhắc lại 23 ngày thiếu điện trong năm 2023 là bài học đau, đắt giá, gây ra "hậu quả khủng khiếp" đối với nền kinh tế, đối với môi trường đầu tư, uy tín của đất nước.

Ông Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh, đảm bảo cung ứng điện là nhiệm vụ cam go trong những năm tới, chứ không chỉ là riêng năm 2024. Nếu tính tổng công suất lắp đặt của EVN và các tập đoàn nhà nước có thể chủ động được là gần 48%, 52% còn lại phụ thuộc các nhà đầu tư bên ngoài.

"Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực và cơ quan chức năng tiếp tục sâu sát trong chỉ đạo các doanh nghiệp ngoài ngành. 52% chiếm sản lượng rất lớn, vai trò của họ mang tính chủ đạo. Nếu họ sản xuất không tốt, thiếu nhiên liệu là sẽ ảnh hưởng đến cung ứng điện cho cả nước", ông An nói.

Không tăng giá điện sẽ khó cân đối tài chính cho EVN

Chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhấn mạnh cân đối tài chính cho EVN để giải quyết những khó khăn của tập đoàn này đang là vấn đề cần quan tâm, xử lý dứt điểm, không để tiếp tục kéo dài.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu quan điểm: nếu không tăng giá điện, chắc chắn không thể nào giải quyết lỗ lũy kế của EVN hiện nay. Khi không giải quyết được lỗ lũy kế thì không giải quyết được những vấn đề khác đang tồn tại trong ngành điện.

"Chính phủ chỉ đạo rồi, Thủ tướng đã nói nhiều lần rồi, cơ chế cho phép tăng giá điện dưới 3% thì cứ thế mà thực hiện. Quan điểm của chúng tôi, Thủ tướng cho phép rồi, Bộ Công thương cho ý kiến, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN phải làm. Nếu không giải quyết trong những năm tới, để tình trạng lỗ lũy kế tiếp diễn như hiện nay thì không cách nào vượt qua được", ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất của EVN là đảm bảo cung ứng điện, cố gắng tuyệt đối trong năm 2024 không để xảy ra thiếu điện. Theo đó, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị EVN tập trung, ưu tiên cao nhất cho mục tiêu này.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công thương đã có quyết định phê duyệt kế hoạch chuẩn bị ứng phó thiếu điện trong tháng 4, 5, 6, 7 tới.

"Qua kinh nghiệm và bài học xảy ra thiếu điện năm 2023, trong quyết định này, Bộ Công thương sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng phải rà soát, báo cáo tình hình cung ứng điện theo quý, chủ động triển khai các giải pháp, không để lặp lại tình trạng thiếu điện", ông Tân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.