2 nữ sinh giúp các bạn tránh 'năng suất độc hại'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/09/2023 10:45 GMT+7

'Ôm đồm quá nhiều việc, môn nào cũng cố gắng học giỏi nhất, hoàn hảo nhất, ai nhờ gì cũng không dám nói không', nữ sinh lớp 12 chỉ ra những biểu hiện của một học sinh đang gặp tình trạng quá tải, có năng suất độc hại.

2 nữ sinh giúp các bạn tránh 'năng suất độc hại' - Ảnh 1.

Hoài Ni (trái) và Yến Nhi, hai nữ sinh sáng tạo ra sổ tay học tập

PHƯƠNG HÀ

Làm sao có thể tránh được năng suất độc hại? Hai nữ sinh tại Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là Nguyễn Thị Hoài Ni, lớp 12A8 và Nguyễn Võ Yến Nhi, lớp 11A8 đã thực hiện dự án sổ tay học tập, kết hợp 45 thử thách giới hạn bản thân, giải pháp cho vấn đề này.

Dự án được trao giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng TP.HCM năm 2023.

Cái gì cũng ôm đồm, nhưng không có gì xuất sắc

Hoài Ni kể về vấn đề của mình: "Trong suốt những năm đi học, em luôn được xếp vào lớp chọn của trường, và suốt 11 năm qua, em vẫn luôn là học sinh giỏi. Em nhận được rất nhiều sự kỳ vọng của gia đình. Nên lúc nào em cũng cố gắng tham gia các hoạt động trên trường nhiều nhất có thể, nào là đội tuyển học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học, hoạt động Đoàn-Đội, phong trào, với mong muốn có thể đạt được những thành tích đáng tự hào. Nhưng cuối cùng, nhìn lại, em thấy không có việc gì mình làm tới nơi, tới chốn…".

Trong khi đó, Yến Nhi cũng gặp khó khăn tương tự. Nữ sinh này kể: "Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, em đều thấy các bạn được lên nhận thưởng. Trong lớp, mỗi bạn một điểm mạnh khác nhau, có bạn giỏi về thể thao, có bạn giỏi về toán học, rồi ngoại ngữ, hát hay… Còn em thì không có gì nổi bật. Em đã ôm đồm rất nhiều công việc, thế nhưng lại chẳng có việc nào đạt được kết quả như mong đợi".

2 nữ sinh giúp các bạn tránh 'năng suất độc hại' - Ảnh 2.

Hai nữ sinh đọc nhiều sách, báo để có nhiều ý tưởng, viết, vẽ... cho sổ tay

PHƯƠNG HÀ

Nhi và Ni cũng cho biết đây là vấn đề chung của rất nhiều học sinh hiện nay. Xã hội phát triển, mạng xã hội bùng nổ, học sinh nào cũng muốn làm được nhiều điều hơn, giỏi hơn, song đôi khi bị quá tải. Chính những áp lực này của Ni và Nhi trở thành động lực để hai nữ sinh cùng thực hiện dự án sổ tay học tập, để giúp đỡ bạn bè cùng trang lứa.

Sinh động với nét vẽ hoạt hình

Hoài Ni cho biết hiện nay, các bạn trẻ có xu hướng muốn ghi chú (note) lại những điều mình cần làm, muốn làm vào 1 cuốn sổ, và luôn mang theo bên mình. Do đó, sổ tay học tập này hy vọng là cuốn cẩm nang nhỏ, giúp bạn trẻ định hướng, trang bị cho bản thân những kỹ năng quan trọng và thiết yếu.

Sổ tay gồm 45 thử thách. Mỗi thử thách được trình bày rõ ràng các bước hướng dẫn thực hiện. Ví dụ điển hình nhất cho thực trạng "năng suất độc hại" mà nhiều học sinh gặp phải đó là không biết sắp xếp thời gian hợp lý. Trong thử thách "Quản lý thời gian", các bạn sẽ học được cách thiết lập thời gian biểu phù hợp với bản thân nhất, biến năng suất ảo trở thành năng suất thực sự.

Một số hình ảnh của sổ tay học tập do nhóm tự thiết kế

NVCC

Hay thử thách thứ hai, đó là biết cách nói "không" với những lời mời, lời nhờ vả, tránh cho bạn bị quá tải, phải ôm đồm quá nhiều công việc…

Ni và Nhi cho biết nhóm đã dành nhiều thời gian để lên ý tưởng, nghiên cứu, viết nội dung, chỉnh sửa, vẽ... Chất liệu sáng tác lấy cảm hứng từ đời sống. Nhóm sử dụng một tông màu pastel nhẹ nhàng, tạo cảm giác dễ chịu cho người đọc, cùng với nét vẽ hoạt hình, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ.

Sổ tay có nhân vật tên Cún làm trung tâm - đồng thời là người đồng hành, dẫn dắt các bạn tự tìm ra phương hướng giải quyết cho vấn đề của riêng mình.

Một số trang sổ tay với hình vẽ hoạt hình dễ thương do nhóm nữ sinh thực hiện

NVCC

Dự án của Ni và Nhi nhận được sự hỗ trợ từ Ban giám hiệu Trường THPT Trần Văn Giàu; thầy Lê Văn Nam, giáo viên dạy hóa Trường THPT Trần Văn Giàu và cô Đàm Phương Trâm Anh, giáo viên Trường Pathway Tuệ Đức.

Hiện tại, vì chưa đủ kinh phí nên sổ tay học tập và 45 thử thách giới hạn bản thân chưa được xuất bản. Nhóm nữ sinh cho biết họ có kế hoạch sử dụng các lợi thế trên mạng xã hội như Facebook, TikTok... để giúp các bạn học sinh khác có thể theo dõi thử thách theo từng tuần, để cùng tránh "năng suất độc hại". Bên cạnh đó, hai nữ sinh cũng sẽ tiếp tục phát triển các thử thách trên ứng dụng điện thoại, website, để sản phẩm sẽ tiếp cận với nhiều đối tượng hơn, giúp học sinh có sự tò mò và hứng thú khi thực hiện thử thách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.