Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?: Kỹ năng quan trọng hơn kiến thức

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
24/11/2022 17:02 GMT+7

Giữa thế giới có nhiều thay đổi và công nghệ phát triển như vũ bão, để tồn tại, các chuyên gia cho rằng tất cả chúng ta phải học cách thích ứng, thích nghi và trang bị những 'kỹ năng của tương lai'.

Học cách thích ứng, làm chủ công nghệ

Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề-Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH là người thường xuyên dẫn đoàn thí sinh Việt Nam đi thi các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới. Ông Trường cho biết ở góc độ nghề nghiệp, nhất định bạn trẻ phải học cách thích nghi và trang bị các kỹ năng của tương lai nếu như không muốn bị đào thải và tụt hậu ở trong một thế giới có nhiều đổi thay như hiện nay.

Kỹ năng làm chủ công nghệ, kỹ năng mềm được các chuyên gia đánh giá quan trọng hơn kiến thức

m.q

“Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta lại thấy một công nghệ mới xuất hiện. Để làm chủ được công nghệ mới đó chúng ta lại phải học các kỹ năng mới. Từ năm 2019, kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới đã đưa vào 24 nghề mà để tranh tài, thí sinh bắt buộc phải giỏi rất nhiều kỹ năng mới”, ông Trường chia sẻ.

Theo ông Trường, đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và doanh nghiệp trên thế giới liên quan đến các công nghệ mới, tư duy mới đang được ưu tiên phát triển ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn như vi sinh học nông nghiệp, các giải pháp dựa trên blockchain, công nghệ composite, nhà máy kỹ thuật số, trang trại kỹ thuật số, vận hành vật thể bay không người lái, quản lý vòng đời sản phẩm, dữ liệu lớn và máy học, kỹ thuật tái hiện ngược cơ khí, công nghệ lượng tử, chép hình nhanh, tích hợp hệ thống robot, kỹ thuật hệ thống không gian, thực tế ảo…

Ông Trường nhìn nhận: “Để đáp ứng xu hướng phát triển của thế giới, giáo dục phải thay đổi tư duy, lấy kỹ năng làm mục tiêu và động lực để có những chương trình đào tạo phù hợp và đổi mới theo hướng tiếp cận linh hoạt, giúp người học thích ứng được với công nghệ, kỹ năng mới".

Ông Trương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Festo Việt Nam, cũng cho rằng thế giới thay đổi từng ngày, giáo dục cũng phải thay đổi theo hướng không dạy kiến thức nữa mà dạy cách tiếp cận kiến thức, công nghệ để người học chủ động làm chủ kiến thức, công nghệ.

“Các trường ĐH, CĐ cần cung cấp cho người học các kỹ năng thích ứng, thích nghi, đồng thời phải nhanh chóng nghiên cứu và xây dựng chương trình đáp ứng các yêu cầu mới về kỹ năng, công nghệ”, ông Hoàng nhận định.

Học kỹ năng mềm để làm việc hiệu quả

Cách đây vài năm, VietnamWorks đã công bố báo cáo về triển vọng nghề và xu hướng kỹ năng tại Việt Nam. Để hoàn thành nghiên cứu này, VietnamWorks đã thực hiện một cuộc khảo sát độc lập với hơn 200 chuyên gia nhân sự hiện giữ các vị trí quản lý trở lên tại các tập đoàn đa quốc gia và các công ty có thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia nhân sự đã đưa ra dự đoán về sự thay đổi của các nhân tố ảnh hưởng tới thị trường lao động Việt Nam và những kỹ năng cần thiết cho các công việc của tương lai.

Các chuyên gia được khảo sát cho rằng “độ nhạy bén với vấn đề” là năng lực thiết yếu để phát triển trong tương lai. Tiếp đến là “năng lực sáng tạo”, “năng lực linh hoạt nhận thức”, “học hỏi tích cực”, “quản lý bản thân và người khác”…

Đặc biệt, trong khảo sát này, kỹ năng phức tạp và quan trọng nhất, theo các chuyên gia, lại chính là “hợp tác với người khác”. Theo lý giải, trong tương lai, các nhân tố khoa học-công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, dẫn theo sự đòi hỏi về khả năng kết nối để cùng làm việc hiệu quả.

Kỹ năng “Hợp tác với người khác” có nghĩa là điều chỉnh hành động theo hành động của người khác để đạt được kết quả tốt nhất, được các chuyên gia cho rằng nhất định người học phải trang bị. Cùng với đó, “trí tuệ cảm xúc” và “đánh giá, ra quyết định” cũng quan trọng không kém.

Diễn đàn: "Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?"

Nhằm hướng đến một mục tiêu giáo dục trong thời kỳ mới với nhiều đổi thay và biến động từng ngày, Báo Thanh Niên mở diễn đàn: “Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?”. Bạn đọc vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ email:thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Trân trọng cảm ơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.