Tập truyện ngắn BÀ CÔ GIÀ
Nhắc đến Edith Warthon, không thể không nhắc đến Thời Thơ Ngây - cuốn sách nổi tiếng nhất, xuất hiện sớm nhất tại nước ta và cũng góp phần đưa bà đến với giải Pulitzer danh giá. Thế nhưng ít người biết rằng tập truyện Bà cô già cũng có những kết nối riêng với tác phẩm này.
Theo đó, tập truyện này nằm trong một chuỗi tiểu thuyết ngắn (novella) tên là Old New York ra đời cách đây đúng 1 thế kỷ, khảo sát một số nhân vật đã từng xuất hiện trong Thời Thơ Ngây xoay quanh cuộc đời của hai chị em Delia Ralston (nhũ danh Lovell) và Charlotte ("Chatty") Lovell với những quan hệ lắt léo về hôn nhân, tình yêu, gia đình.
Ở Bà cô già, Wharton đã khắc họa được một nước Mỹ thời tiền chiến với nhiều truyện ngắn đã làm nổi bật các phong tục, văn hóa, nhân vật... ở giai đoạn này. Edith Wharton luôn nhìn nhân vật từ những điều rất nhỏ: đồ mặc hằng ngày, cái mũ, màu tóc bị đổi, kiểu tóc…, từ đó biến những điều này trở thành chỉ dấu rất riêng của nhiều nhân vật.
Trong đó, nổi bật hơn cả là những truyện ngắn cho thấy được xã hội Mỹ dưới góc nhìn của người phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ người đã có gia đình (Thoả thuận hôn nhân), có nhiều trải nghiệm trong hôn nhân (Hai người còn lại) cho đến những tình nhân trẻ còn khá mơ mộng (Tâm hồn muộn màng) hay một bà góa lặng lẽ nhìn đời qua khung cửa sổ (Khung cửa sổ của bà Manstey).
Song song đó cũng có câu chuyện đến từ nhãn quan của người đàn ông và những lựa chọn không mấy dễ chịu trong các tình thế do dự của cuộc đời này, như Lựa chọn, Cát lún.
Tiểu thuyết Chuyện ngày hạ
Đã từng xuất hiện trước đây với bản dịch mang tên Mùa hè, mới đây, một bản dịch nữa mang tên Chuyện ngày hạ đã được ra mắt độc giả Việt Nam. Với sự trở lại một cách liên tục, có thể thấy được sức ảnh hưởng và tầm quan trọng của tiểu thuyết này.
Khi mới ra mắt vào năm 1917, cuốn tiểu thuyết đã gây sửng sốt văn đàn nước Mỹ bởi cách Wharton thẳng thắn khai thác những chủ đề nhạy cảm về tình yêu, dục vọng của phụ nữ.
Cuốn sách xoay quanh hành trình khám phá bản thân của Charity Royall, một cô gái trẻ lớn lên trong thị trấn nhỏ đầy tù túng ở New England. Nhưng với khát khao tự do, được sống phóng khoáng, thoát khỏi cảm giác tù túng của thị trấn nhỏ, cô đã luôn tiết kiệm để rời khỏi đây, tìm kiếm những điều mới mẻ ngoài kia.
Mọi thứ bỗng chốc đổi thay vào một chiều tháng 6 nọ, nơi cô đã gặp Lucius Harney - một kiến trúc sư trẻ tuổi, lịch lãm và quyến rũ - người đã thổi một làn gió mát xua đi sự tù túng trong cô. Tình yêu của Lucius Harney khiến thế giới của Charity bừng sáng, trở nên sinh động hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, mối tình đó cũng chính là thứ dập tắt những mơ mộng của cô về một tình yêu màu hồng, khiến cô phải đối mặt với trách nhiệm và nhận ra hiện thực số phận của mình.
Chuyện ngày hạ tính cho đến nay có thể được xem là một tác phẩm đi trước thời đại, khi Wharton không né tránh việc miêu tả những cảm xúc sâu kín và nhu cầu tình cảm của phụ nữ. Bà đã khai thác một cách chân thực sự mâu thuẫn giữa những khát vọng cá nhân và những lề thói mà xã hội áp đặt lên người phụ nữ đương thời.
Sau cùng, khi khép lại cuốn sách, những câu hỏi về tình dục, quyền tự quyết và sự bất bình đẳng giới vẫn còn hiện lên trong tâm tưởng độc giả. Charity không phải là hình mẫu lý tưởng của phụ nữ đức hạnh thời bấy giờ mà là một người phóng khoáng, mang vẻ đẹp hoang dại và luôn khát khao tìm kiếm hạnh phúc. Đó cũng là vấn đề vẫn còn sức nặng vọng đến ngày nay, giữ vững tính chất kinh điển cho tác phẩm này dẫu hơn một thế kỷ đã trôi qua.
Bình luận (0)