Dự án 20 năm nằm trên giấy
Năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hòa lập quy hoạch dự án Khu dân cư số II Tây Lê Hồng Phong với diện tích hơn 63 ha. Sau đó, điều chỉnh cắt gần 20 ha để thực hiện dự án Khu đô thị Phước Long 2 và gần 25 ha để thực hiện dự án Khu đô thị Hoàng Long.
Đến năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Ban quản lý các công trình trọng điểm tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện dự án Khu tái định cư Lê Hồng Phong III. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên dự án không thể triển khai. Đến năm 2015, UBND tỉnh có quyết định chấm dứt đầu tư dự án này. Hiện nay, khu vực này có diện tích khoảng 38,97 ha và thông báo thu hồi đất số 24 do UBND TP.Nha Trang ban hành năm 2009 vẫn còn hiệu lực.
Kể từ đó đến nay, qua 20 năm dự án vẫn chỉ nằm trên giấy và để lại cho hàng nghìn hộ dân nơi đây quá nhiều hệ lụy.
Một góc khu dự án Khu dân cư số II Tây Lê Hồng Phong, P.Phước Long, TP.Nha Trang |
thế quang |
Sống "mòn" trong khu quy hoạch
Gia đình bà Nguyễn Thị Vương (59 tuổi) chuyển về sinh sống tại tổ dân phố 3 Phước Thành từ năm 1997. Thời điểm đó, dân cư ở đây rất thưa thớt, việc xây nhà cũng không bị cấm cản. Thế nhưng, mọi thứ bị đảo lộn sau khi nơi đây trở thành khu quy hoạch dự án.
Trong suy nghĩ của bà Vương khi ấy, nếu nhà nước quy hoạch thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ triển khai và gia đình bà sẽ được tái định cư để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, mòn mỏi suốt 20 năm chờ đợi bà Vương chẳng thấy một động thái nào từ phía chính quyền để thực hiện dự án. Cũng ngần ấy năm bà không thể xây sửa ngôi nhà của mình dù nó đã bị xuống cấp trầm trọng vì nằm trong vùng quy hoạch.
Bà Vương chỉ về nơi mực nước ngập mỗi khi có mưa lớn |
THẾ QUANG |
Chỉ tay về phía bức tường trong phòng khách, bà Vương cho hay trước đây chỗ đó là cửa sổ nhưng sau nhiều lần nâng nền để chống ngập thành ra cửa sổ phòng khách giờ đã biến mất. Phía trên trần nhà nhiều mảng ngói đã bể nát, một số kèo gỗ trần nhà cũng gãy đổ, mục nát chỉ được ràng buộc tạm bằng mấy sợi dây thép cho khỏi sập.
"Nền nhà này tôi cũng nâng cao hơn cả mét rồi mà đến giờ vẫn cứ ngập, còn xây cao lên thì không được phép. Giờ tôi ở thì ở vậy thôi chứ mưa là sợ lắm, sợ sập với nước ở dưới nền trào lên. Mà mỗi lần như vậy thì đành bất lực chịu đựng, chỉ chờ nước rút", bà Vương thở dài nói.
Gần đó, gia đình ông Lê Văn Màu cũng phải chịu cảnh khốn khổ suốt 20 năm qua khi không thể sửa chữa nhà vì vướng quy hoạch. Ông kể, bản thân từng là bộ đội, năm 2001 gia đình ông về đây cất nhà sinh sống. Khi ấy, căn nhà của ông thuộc vào dạng khang trang trong khu vực, thế nhưng, theo thời gian, dân cư tại đây ngày càng đông đúc, nhà sau đổ nền cao hơn nhà trước, con đường hẻm trước nhà cũng ngày càng được nâng lên khiến ngôi nhà của ông lọt thỏm xuống dưới.
Sau 2 lần nâng nền lên 1,3 m khiến ngôi nhà của ông trông khá kỳ dị, trần nhà với nền ngày càng gần nhau. Thậm chí, cửa sổ phòng ngủ trước đây ông phải nhón chân mới nhìn được vào bên trong thì nay khung cửa sổ đã nằm sát phía dưới nền. "Tôi xin giấy phép xây dựng thì không được, chỉ còn cách nâng nền phía trong nên mới thành ra như vậy", ông Màu nói.
Sau 2 lần nâng nền để chống ngập, cửa sổ phòng ngủ nhà ông Màu đã sát với nền nhà |
THẾ QUANG |
Thế nhưng theo ông Màu, ở tổ dân phố này còn nhiều nhà thấp và khốn khổ hơn cả nhà ông. Hễ trời mưa xuống là ngập, mà sửa thì không được, chính quyền sẽ xuống lập biên bản và xử phạt ngay. "Tôi chỉ mong nhà nước nếu có dự án thì khẩn trương làm còn nếu không thì nên rút quy hoạch để dân được làm sổ đỏ, cấp giấy phép xây dựng như những nơi khác, chứ bây giờ người dân khốn khổ đến 20 năm rồi", ông Màu nói.
Ông Lương Văn Thông, tổ trưởng tổ dân phố 3 Phước Thành, cho biết, hệ lụy từ việc quy hoạch treo kéo dài khiến người dân nơi đây đang phải sống trong tình cảnh hết sức khó khăn. Năm 2017, bão khiến hàng trăm căn nhà bị sập, thiệt hại nặng nề nhưng cũng không được hỗ trợ vì tất cả nằm trong khu quy hoạch. Chưa kể việc trẻ em sinh ra cũng không thể nhập hộ khẩu, phải nhập vào nhà người quen ở nhiều nơi khác nhau. Con dâu, con rể cũng không thể nhập hộ khẩu vào gia đình vì chính quyền không cho phép...
Triển khai dự án hoặc xóa "treo"
Theo ông Thông, do nhu cầu nhà ở rất lớn nên hàng chục năm qua đã có nhiều hộ dân xây dựng nhà trái phép tại đây.
Theo thống kê, có 542 căn nhà xây dựng trái phép nằm trong diện phải cưỡng chế giải tỏa. Vừa qua, chính quyền cũng tiến hành cưỡng chế hàng chục căn nhà tại đây. "Còn hàng trăm hộ dân khác đang rất hoang mang, lo sợ không biết khi nào tới lượt mình", ông Thông nói.
Do đó, ông đề nghị chính quyền cần triển khai thực hiện sớm dự án, nếu không cũng trả lại quyền lợi cho người dân để được làm sổ đỏ, được cấp phép xây dựng, được nhập hộ khẩu, được phép hòa mạng lưới điện.... "Tôi khẳng định bà con ở đây luôn sẵn sàng thực hiện theo chủ trương và sẽ tự giác tháo dỡ nhà cửa, di dời khi dự án được thực hiện, còn hiện tại thì nên hoãn việc cưỡng chế để yên dân trước đã. Chứ cưỡng chế xong khu đất đó lại để không, dân thì không có chỗ ở, nhiều người phải sống lay lắt trong khu ổ chuột, ở thuê phòng trọ. Vừa rồi có 2 vợ chồng đến xin chỗ ở vì nhà bị cưỡng chế, vợ thì mới sinh không ai cho thuê nhà, cũng may có một gia đình cưu mang", ông Thông cho hay.
Các bức tường nhà ông Màu đã bong tróc, mục nát từ lâu nhưng cũng không thể sửa chữa do vướng quy hoạch |
THẾ QUANG |
Ông Ngô Khắc Thinh, Chủ tịch UBND P.Phước Long, cho biết trong 38,97 ha quy hoạch, chỉ tính riêng tổ dân phố 3 Phước Thành và tổ dân phố 3 Phước Tín đã có hơn 2.000 hộ với gần 8.000 nhân khẩu. Ngoài ra, còn một phần tổ dân phố 3 Phước Trung chưa có thống kê cụ thể.
Những năm gần đây, thấy khu vực này nhếch nhác, người dân đã đóng góp tiền để láng xi măng các tuyến hẻm. TP.Nha Trang cũng đã đầu tư hệ thống thoát nước chống ngập tại đây với kinh phí hàng chục tỉ đồng.
"Quan điểm của phường là đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép thành phố hủy bỏ thông báo thu hồi đất số 24 năm 2009, đồng thời điều chỉnh quy hoạch theo hướng khu dân cư chỉnh trang. Nếu người dân được làm sổ đỏ, được cấp giấy phép xây dựng, sẽ tạo điều kiện cho phường làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng”, ông Thinh nói.
Được biết, năm 2021, UBND TP.Nha Trang đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép TP.Nha Trang điều chỉnh thông báo thu hồi đất số 24 theo hướng không thực hiện thu hồi đất đối với diện tích 38,97 hecta tại khu vực quy hoạch vì không có dự án triển khai tại đây. UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xem xét nội dung kiến nghị của UBND TP.Nha Trang.
Cuối tháng 4.2022, UBND TP.Nha Trang tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở TN-MT về nội dung này với mục đích hạn chế tình trạng đơn thư kéo dài, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III được cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng.
Bình luận (0)