2020 - Năm biến động dữ dội của hàng không

01/01/2021 08:43 GMT+7

Khép lại năm 2020 - năm được xem là khó khăn nhất trong lịch sử gần 30 năm, ngành hàng không Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhưng cũng đạt được nhiều thành tựu.

Cuối tháng 3.2020, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific chính thức tạm dừng bay quốc tế. Cho đến hết năm 2020, ngoại trừ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước và một số chuyến bay thương mại trọn gói vào tháng 11, các đường bay quốc tế thường lệ vẫn chưa chính thức mở lại, do dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Ngày 1.4, khi lệnh lockdown được áp dụng trên phạm vi cả nước, các đường bay nội địa cũng đóng lại (chỉ duy trì 3 đường bay tối thiểu Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng).
Trong tâm thư gửi cán bộ nhân viên Vietnam Airlines (VNA) tháng 4.2020, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA, đã nhấn mạnh đến những ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử mà hãng này phải đối mặt. Quyết định đóng cửa gần như toàn mạng bay nội địa khiến 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm dừng hoạt động - theo ông Thành - là một quyết định đặc biệt khó khăn và lịch sử. Cũng như Vietnam Airlines, các hãng hàng không Việt khác đều rơi vào khó khăn, doanh thu sụt giảm, lỗ vài nghìn đến cả chục nghìn tỉ đồng.
Tuy nhiên, khác với tình cảnh của nhiều hàng không thế giới rơi vào suy thoái kéo dài, mất thanh khoản, thậm chí phá sản, các hãng hàng không Việt đã gượng dậy rất nhanh sau khi Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam vào cuối tháng 4. Thậm chí, cao điểm hè tháng 6, tháng 7 chứng kiến lượng khách nội địa tăng trưởng kỷ lục, đã giúp các hãng giảm bớt khó khăn, dù chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Hàng không cũng là ngành có nhiều đóng góp trong thành công cuộc chiến chống dịch Covid-19 của đất nước, với cả nghìn chuyến bay đưa công dân về nước đã được thực hiện, cũng như vận chuyển hàng hoá, thiết bị y tế, thuốc men thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Đáng chú ý, giữa những khó khăn chung, thị trường hàng không vẫn có rất nhiều điểm sáng trong năm 2020. Hàng không cũng có nhiều hy vọng vào sự phục hồi hoàn toàn trong năm 2021, cùng với việc khởi công hạng mục đầu tiên của dự án "siêu sân bay" Long Thành ngay từ những ngày đầu năm.

Vietravel Airlines ra mắt

Cuối tháng 12.2020, Vietravel Airlines - hãng hàng không lữ hành đầu tiên của Việt Nam đã chính thức ra mắt sau khi được Cục Hàng không cấp AOC (chứng nhận khai thác tàu bay), với tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng. Được khởi động từ đầu năm 2018, trải qua nhiều lần xét duyệt và cả những khuyến cáo, e ngại việc thành lập hãng hàng không mới, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, song Vietravel Airlines vẫn khẳng định quyết tâm bay. Hãng này cũng đã tiếp nhận chiếc máy bay đầu tiên A321 CEO, dự kiến sẽ nhận thêm 4 chiếc máy bay nữa, chia làm 2 đợt vào tuần đầu tháng 1 và tháng 6.2021.
Trong tháng 1.2021, Vietravel Airlines sẽ chính thức mở bán vé. Với lợi thế từ lĩnh vực kinh doanh thế mạnh là du lịch cũng sẽ giúp Vietravel Airlines có một lượng khách hàng nhất định. Dù vậy, còn rất sớm để đưa ra dự báo được tân binh này có thành công hay không, nhất là khi cuộc cạnh tranh thị phần nội địa đang gay gắt hơn bao giờ hết.

Nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Từ năm 2017, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn như A350-900, B787-9, B787-10 nên hệ thống đường băng, đường lăn của 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. 
Mặt khác, hệ thống đường băng, đường lăn hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến 44 triệu hành khách/năm đối với Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Tân Sơn Nhất vào năm 2025. Do vậy, việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn của 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách.
Dù vậy, những khó khăn trong việc xác định nguồn vốn và nhà đầu tư thực hiện khiến nhu cầu cấp bách này đã kéo dài trong nhiều năm, trước khi được Chính phủ phê duyệt và chính thức khởi công đầu tháng 6.2020. Theo dự kiến, thời gian thi công bước 1 là 6 tháng, bước 2 là 14 tháng, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.

Dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9 của Bamboo Airways

Ảnh Bamboo

Đường bay thẳng Côn Đảo

Cùng với việc các hãng hàng không bung ra hàng loạt đường bay nội địa mới, trong nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, Bamboo Airways đã mở đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo bằng dòng máy bay phản lực Embraer E195.
Bamboo cũng là hãng bay đầu tiên triển khai cùng lúc 5 đường bay thẳng kết nối Côn Đảo với các thành phố khác như Hải Phòng, Vinh, Thanh Hoá và Đà Nẵng. Không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển trung bình tới Côn Đảo, đường bay thẳng này cũng phá thế độc quyền của Vasco trong nhiều năm qua, tăng sự lựa chọn cho hành khách.
Ngoài ra, Bamboo cũng là hãng tư nhân đầu tiên đón và vận hành dòng máy bay thân rộng hiện đại Boeing 787-9 trong năm 2020, thực hiện các chuyến bay tầm trung tới Đông Bắc Á và bay tầm xa tới châu Âu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.