Khi đặt bút viết tự truyện Ngoại tôi, phạm nhân Hoàng Văn Tuấn ở trại giam An Phước được tin bà ngoại, người đã dành hết cuộc đời để yêu thương, bao bọc anh, vừa qua đời được một ngày ở quê. Tuấn cho biết từ khi chập chững biết đi, biết gọi tiếng cha, mẹ là anh đã không được hưởng trọn hơi ấm của người cha như những đứa trẻ bình thường khác. Lúc đó, do còn quá nhỏ nên Tuấn không hiểu được lý do tại sao cha mẹ lại xa nhau và chỉ biết rằng bà ngoại đón mẹ con Tuấn về sống trong xóm lao động nghèo, nơi định cư của người dân miền Trung sống bằng nghề dệt vải. Cái xóm lao động ấy gắn bó cùng Tuấn suốt năm tháng tuổi thơ, chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của em trong vòng tay yêu thương, chăm sóc vô bờ bến của ngoại và mẹ.
Chốn nương tựa sau cùng
Vì nhà nghèo nên bà ngoại phải nuôi heo, và mới vài tuổi đầu nhưng Tuấn đã biết học cách thay ngoại chăm sóc đàn heo và giúp mẹ làm công việc nhà. Dẫu được sống trong tình thương của ngoại và mẹ nhưng đôi lúc Tuấn cũng ước ao được có cha?”. Em tự hỏi: “Cha tôi đâu? Tôi có tội tình gì mà cha lại bỏ tôi mà đi?”. Hình ảnh được nhìn thấy cha ở cái tuổi lên ba cứ mập mờ, ẩn hiện thổn thức trong Tuấn, nhưng nào dám nói ra, vì hơn ai hết em biết khi nhắc đến cha sẽ vô tình làm cho ngoại buồn và mẹ càng đau khổ thêm. Những khi Tuấn tủi thân, buồn khổ đã có bà ngoại luôn ở bên cạnh chở che, bao bọc. Và tuy không có cha nuôi dưỡng nhưng Tuấn đã được dạy dỗ, chăm sóc lớn lên đàng hoàng, ăn học đến nơi đến chốn. Với cố gắng vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn, em đã lần lượt tốt nghiệp phổ thông và thi đỗ vào đại học trong niềm vui sướng của gia đình.
|
Trong cuộc đời Tuấn, đây mới là thời điểm hạnh phúc nhất: “Khoảnh khắc tôi đón nhận tấm bằng đại học là lúc ngoại và mẹ hạnh phúc nhất. Tôi đã nhìn thấy nụ cười và những giọt nước mắt sung sướng, hãnh diện đang hiện rõ trên khuôn mặt của ngoại và mẹ. Bao khó khăn, vất vả trong phút chốc chợt tan biến, để thay vào đó là niềm tin, sự hy vọng vào một ngày mai rực sáng trong tâm trí ngoại tôi. Và bản thân tôi cũng vượt qua một chặng đường ban đầu đầy gian nan và thử thách. Mọi người trong xóm lao động nghèo cứ trầm trồ khen ngợi và lúc này họ lại nói: “Cái thằng không có cha mà giỏi ghê”. Tôi tự nhủ với lòng sẽ mãi mãi xứng đáng với tình thương vô bờ bến của ngoại và mẹ”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tuấn không theo ngành nghề đã được đào tạo trên ghế nhà trường mà đi làm hướng dẫn viên du lịch. Tuấn bị cuốn hút theo những bước chân cùng du khách trải dài trên mọi miền đất nước và những nét hào nhoáng của du lịch nước ngoài. Được khám phá thỏa thích, mở rộng tầm mắt và điều quan trọng nhất là mau kiếm được tiền. Nhờ khôn khéo chịu học hỏi, trong hai năm theo nghề Tuấn đã có những thành công nhất định, có một số vốn cho riêng mình.
Cá ươn ăn muối kịp không ?
Tuấn giãi bày: “Lúc đó tôi như một kẻ điên cuồng, cuốn hút bởi niềm đam mê và sự cám dỗ của đồng tiền. Ma lực của đồng tiền và sự tự tin muốn làm giàu nhanh chóng đã khiến tôi không còn là đứa cháu ngoan hiền, đứa con lễ phép của gia đình. Đơn giản trong đầu tôi chỉ có một câu “có tiền là có tất cả”. Nhưng tôi đâu có thời gian để suy tính được rằng cái được thì rất nhỏ so với những gì đang từng ngày, từng giờ mất đi. Đâu đó trong sâu thẳm ánh mắt của ngoại và mẹ lại toát lên nỗi buồn vô tận khi thấy tôi dần xa cách gia đình. Tôi phớt lờ tất cả, dửng dưng với tình cảm đã nuôi lớn tôi từ thuở ấu thơ. Tôi luôn ngập tràn trong sự tâng bốc, tung hô của bạn bè, xa xỉ với những buổi tiệc chỗ này, chỗ kia. Hết lý do này đến lý do khác, tôi tự cho mình một vị trí thành đạt trong xã hội, một công ty do tôi làm giám đốc để rồi tôi trượt dài, với bao hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời”.
Những năm tháng sau đó, Tuấn đã phải trả giá bằng chính tương lai của mình cho những tính toán sai lầm trong công việc kinh doanh. Cuối cùng, bản án 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã đặt dấu chấm hết cho hoài bão kinh doanh ảo của anh ta. Trong lao tù, Tuấn mới thấy thấm thía mấy câu thơ như câu hỏi lớn của đời anh ta: “Trường đời thi trải mấy lần/Mấy lần ngoại khóc âm thầm vì con/Một mai nước chảy về nguồn/Cá ươn ăn muối có còn kịp không?”. Tuấn cho biết, khi còn ở ngoài xã hội, trên đỉnh cao của cái gọi là thành đạt, anh đâu chịu nghe ai nhắc nhở. Tuấn ngông cuồng bởi xung quanh chỉ toàn là đám người ăn theo, xu nịnh vì đồng tiền. Còn bây giờ, khi tay trắng, dính vào vòng lao lý thì mọi người quay mặt bỏ đi. Đau đớn nhất đối với Tuấn là ngay cả người vợ trẻ chưa kịp cưới cũng quay lưng với anh. Cô ta đành lòng để lại đứa con, máu mủ ruột thịt của mình cho ngoại và mẹ của Tuấn nuôi mà không hề thương tiếc.
Trong cay đắng, Tuấn chua xót tâm sự: “Vậy là đời tôi chẳng ra gì, để lại sự bất hạnh cho đời con tôi. Quy luật cuộc đời sao thật khắc nghiệt, một bước trượt dài ân hận dài lâu. Nhưng cuộc đời tôi quả thật may mắn khi được làm cháu của ngoại và làm con của mẹ. Trong lúc tôi đang sống trong cô đơn và tuyệt vọng thì ngoại và mẹ lại dang rộng vòng tay cưu mang lo lắng, chăm sóc tôi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cứ lâu lâu, ngoại và mẹ lại gom góp từng đồng, từng vật dụng bé nhỏ cần thiết mang lên trại giam thăm tôi.
Những lúc ngoại gặp tôi thường thì nước mắt mở đầu cho câu chuyện. Ngoại nói trong nghẹn ngào: “Tù là con mà tội là tội cho ngoại và mẹ. Nếu có được điều ước ngoại sẵn sàng gánh chịu mọi tội lỗi của con. Con biết không? Mỗi lần bưng chén cơm nghĩ đến con mà nước mắt lưng tròng. Ngoại có sống được bao lâu nữa đâu, rồi cũng theo ông, theo bà. Còn sống được ngày nào ngoại trông chờ ngày con trở về sống tốt, yên bề gia thất. Có chết ngoại cũng cam lòng. Thằng con của con nó đã mất mẹ, đừng để nó phải mất cha nghe con”. Từng lời nói, từng chữ như ăn sâu vào tâm trí của tôi, chẳng lẽ suốt cuộc đời này tôi mãi là thằng bất hiếu hay sao? Lời dạy của ngoại như vẫn còn đây, vậy mà ngoại đã không chờ được ngày tôi trở về”.
Giờ này, trong trại giam, Tuấn mong mỏi bà ngoại vẫn hiện hữu trong anh để dìu dắt đứa cháu trên con đường hướng tới niềm tin phục thiện của ngày mai.
Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Gãy cánh sau phi vụ “khủng”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Đường dây ngầm sụp đổ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư trong tù của thầy giáo trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư trong tù của thầy giáo trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư cuối của tử tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Thức tỉnh “quái kiệt” giang hồ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Từ cái chết của người con gái 20 tuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Phục thiện để được hồi sinh
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Vị đắng tình yêu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Sự sa ngã của một nhà giáo
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tội ác và trừng phạt
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Nỗi đau của hai người mẹ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Nẻo về của một trí thức trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Ba lần vào tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tình yêu của người vợ
Bình luận (0)