>> Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 1: Cuộc xâm lược của Trung Quốc
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của anh hùng Nguyễn Lanh
>> Ngày 14.3.1988, hai lăm năm nhìn lại
“Con đi mẹ hỉ!”
Trong trận hải chiến đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14.3.1988, Quảng Bình là nơi có nhiều liệt sĩ nhất với 13 người. TP.Đà Nẵng xếp sau với 9 liệt sĩ trong số 64 người hi sinh. Riêng khu vực P.Hòa Cường (cũ, nay chia thành P.Hòa Cường Nam và P.Hòa Cường Bắc), Q.Hải Châu đã có đến 7 liệt sĩ, 2 liệt sĩ còn lại ở P.Bình Hiên và P.An Hải Tây.
Bà Nguyễn Thị Trước, nay đã 81 tuổi, là mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi kể về người con thứ 5 của mình: “Nó là đứa hiền lành, thương ba mẹ nhất nhà, từ nhỏ hễ đi học về là chạy qua cồn gánh rau phụ tui bán ở chợ, xong thì lên khu sân bay lượm ve chai về đưa cho tui đi bán”.
Tháng 3.1987, nghe tuyển quân đi bộ đội hải quân, Lợi về khoe đã đăng ký và được vào hải quân, phân vào Trung đoàn 83 công binh cùng nhiều thanh niên trong xóm. Cả nhà từ ông bà nội đến ba mẹ anh Lợi cũng đều vui lây vì thấy con cũng cùng chí hướng như 2 anh trai, phụng sự Tổ quốc.
|
Gần một năm sau, anh Lợi về ăn tết Mậu Thìn 1988 với gia đình. Anh bị ba là ông Phạm Đức Dần la rầy: “Răng mi mới đi một năm mà đã về rồi?”. Anh Lợi thưa rằng về ăn tết là được đơn vị cho phép, ăn tết xong là đi lại ngay.
“Lần về Tết đó, hắn cũng ít ở nhà. Hôm trước khi lên đường, thằng Lợi dẫn người yêu về giới thiệu một lúc rồi hai đứa đi chơi, con người yêu hắn chào “dạ thưa bác con đi” thì bị thằng Lợi chỉnh: “thưa mẹ con đi chứ răng lại thưa bác”, tui chưa kịp mừng vì nghĩ đến đám cưới ngày hắn ra quân thì nhận tin dữ”, bà Trước nhớ lại.
|
Khoảng gần trưa 14.3.1988, vợ chồng bà Trước nghe tin sét đánh từ phường báo các chiến sĩ mất tích ở Trường Sa. Đám tang anh Lợi diễn ra trong mưa gió, căn nhà nhỏ đến nỗi hàng xóm qua viếng ướt nhem vì không có chỗ vào. Nhiều năm sau đó, đêm nào bà cũng mơ thấy anh Lợi với những lời động viên “mẹ đừng lo chi hết, con mạnh khỏe và ở với anh em ngoài đó rất vui vẻ”.
“Thằng Lợi thứ 5 nhưng với anh em trong nhà ai, ai nói chi nhưng nó vẫn không bao giờ cãi lời. Đến giờ, tui nhớ y chang bữa cơm ngày tết cuối cùng trước khi hắn đi, nhà không có chi ăn, hắn xuống lục xí bún với nước mắm ăn quẹt quẹt rồi thưa “con đi mẹ hỉ”, tui thấy xót xa vì từ nhỏ tới lớn ở nhà hắn chưa có được một bữa no, tui chưa chăm sóc chi cho hắn được nhiều, đến chừ cũng nhờ hắn mà đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, thay hắn nuôi tôi…”, kể đến đây, bà Trước òa khóc.
Sau khi anh Lợi hy sinh, em trai kế là Phạm Văn Long được miễn đi nghĩa vụ quân sự. Đến lúc giải tỏa, nhà bà Trước không đủ tiền tái định cư tại chỗ nên đã chuyển lên Q.Cẩm Lệ sinh sống, hiện vẫn nợ tiền xây nhà và thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Anh đầu là Phạm Văn Chung đã mất sớm vì bạo bệnh, hiện anh Long vẫn chưa lập gia đình, đi phụ hồ nuôi mẹ và em út Phạm Văn Tâm bị bệnh down từ nhỏ.
|
Hai cha con ra đi cùng ngày
Cũng như liệt sĩ Phạm Văn Lợi, liệt sĩ Phan Văn Sự cũng đăng ký đi nghĩa vụ quân sự xong mới về nói với gia đình vào tháng 3.1987. Khi đó bà Lê Thị Muộn, mẹ anh Sự vừa thôi làm công nhân bốc vác ở Cảng Đà Nẵng, ba anh là ông Phan Văn Bé bị bệnh tim.
|
Tết Mậu Thìn 1988, anh Sự về ăn tết với gia đình đến 12 tháng giêng thì thưa rằng đơn vị cho anh ở nhà giữ doanh trại nhưng anh em trong khu vực Hòa Cường đi vào Cam Ranh từ hôm mùng 6 tết nên anh Sự xin đơn vị cho đi theo cùng.
Lúc đó ông Phan Văn Bé vừa mổ tim xong, sáng 14.3.1988, ông đang nằm tịnh dưỡng chờ cắt chỉ ở Bệnh viện Đà Nẵng thì nghe tin phát thanh báo chiến sĩ mất tích ở Trường Sa.
“Tôi ngồi cạnh ổng trong bệnh viện, ổng giật nảy người lên hỏi “chi rứa bà chi rứa bà” rồi lịm đi, đến 15 giờ chiều cùng ngày thì ổng đi theo thằng Sự”, bà Muộn ứa nước mắt.
Do đó, ngày 27 tháng giêng âm lịch hằng năm là ngày giỗ chung của cả chồng và con bà Muộn, nhưng mộ anh Sự trên nghĩa trang liệt sĩ Gò Cà hiện vẫn chỉ là mộ gió.
Kỷ vật duy nhất anh Sự để lại nơi đơn vị Trung đoàn 83 Công binh Hải quân là chiếc áo hải quân. Nhận áo về, bà Muộn tự tay cắt, sửa thành áo để mặc cho đỡ nhớ con đến tận bây giờ.
Không chỉ nhà bà Trước, bà Muộn, ông Trần Huỷnh (92 tuổi) cũng có 3 con trai vào lính là các anh Trần Cường, Trần Trọng, riêng con trai út là Trần Tài đã hy sinh trong trận hải chiến ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma, Trường Sa.
Ngày 6.3.2013 (25 tháng giêng âm lịch), chúng tôi ghé thăm ông Trần Huỷnh trên đường Núi Thành, cũng đúng là lúc gia đình đang làm đám giỗ chung cho anh Tài và mẹ. Anh Tài hy sinh 14.3.1988 (27 tháng giêng Mậu Thìn), còn mẹ anh mất năm 2010 nhằm ngày 25 tháng giêng.
Bên mâm cơm chay tề tựu đông đủ bà con trong gia đình, anh Trần Trọng lúc nào cũng hát tặng trước bàn thờ liệt sĩ Trần Tài để tưởng nhớ người em út bởi lúc còn sống, anh Tài chơi đàn và hát rất hay.
9 liệt sĩ Đà Nẵng trong trận Gạc Ma ngày đó còn có anh Nguyễn Hữu Lộc, Trương Quốc Hùng, Nguyễn Phú Đoàn, Lê Văn Xanh (cùng ở P.Hòa Cường cũ), Lê Thế (P.An Hải Tây) và Trần Mạnh Việt (P.Bình Hiên).
|
Riêng cha mẹ 7 liệt sĩ ở Hòa Cường vốn từng là hàng xóm láng giềng từ trước, cho đến khi cùng mang nỗi đau mất con thì lại càng thâm tình. Những năm gần đây, do giải tỏa, nhiều gia đình chuyển đi xa và tuổi cao sức yếu nên họ ít có dịp thăm nom nhau như trước. Cho nên, hay tin được mời tham dự chương trình Tri ân chiến sĩ Trường Sa tại TP.Đà Nẵng ai cũng rất nóng lòng.
Bởi lẽ, đây không chỉ là dịp họ được gặp lại nhau, nhớ về những đứa con liệt sĩ anh hùng mà còn muốn truyền lại giới trẻ và xã hội về lòng yêu nước sục sôi, chống quân xâm lược Trung Quốc thuở nào…, về tinh thần hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình… Trường Sa
Ngày 8.3.2013, nhằm ngày 27 tháng giêng âm lịch, cũng là ngày giỗ thứ 25 của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, người đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma - Trường Sa vào ngày 14.3.1988. PV Thanh Niên Online đã về thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình để dâng nén hương lên trước di ảnh của anh. Gặp lại tôi, chị Trần Thị Liễu (vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong) bắt tay vui mừng rồi khoe phần nhà mới to đẹp được xây dựng sau khi nhận tiền hỗ trợ từ chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” của Báo Thanh Niên vào tháng 5.2012. Vợ chồng anh chị có 2 người con trai đó là Nguyễn Mậu Trường (SN 1985) và Nguyễn Tiến Xuân (SN 1987) thì cả hai đều là chiến sĩ và đã làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nơi ba mình ngã xuống. Riêng với Tiến Xuân thì tình yêu đối với người lính hải quân, với biển đảo, xen lẫn sự căm hờn lúc nào cũng cháy bỏng. Quyết thi vào Học viện Hải quân và hiện giờ Xuân đã khoác áo lính được 6 năm và cũng đang công tác ở Trường Sa. Lúc nào Xuân cũng mang theo tất cả thư từ, kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong bên người. Mới đây, ngày mùng 3 tết, Xuân đặt chân lên vùng biển đảo mà 25 năm trước, ba mình đã vĩnh viễn nằm xuống. Lúc đó, Xuân điện thoại về bảo mẹ thắp hương cho ba cầu khấn để Xuân được gặp ba một lần. Nhưng làm sao có thể gặp được giữa trùng khơi biển lạnh, thế là Xuân òa khóc nức nở. (T.Q.Nam)
Mơ trở lại Trường Sa Ngày trở về, việc đầu tiên anh Dương Văn Dũng (Đà Nẵng) làm là sang thắp hương cho liệt sĩ Phạm Văn Lợi, là người “ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu” với anh từ nhỏ cho đến khi cùng vào đơn vị. Nhưng sau trận hải chiến Gạc Ma, chỉ còn anh Dũng, anh Phan Văn Đức còn sống. Cũng như Dũng, bạn cùng xóm của anh Đức là liệt sĩ Lê Thế đã hy sinh. Rời doanh trại về Đà Nẵng, anh Đức đến nhà thắp hương và kể lại chuyện với bác Trần Thị Huệ là mẹ Thế. Bác Huệ ngất xỉu vì lúc đó mới thật sự tin Thế đã hy sinh.
“Ước nguyện lớn nhất của tôi là mong một lần trở lại Gạc Ma để thắp cho đồng đội nén nhang”, anh Dũng nói. Kết thúc câu chuyện về những ngày tháng không thể nào quên, anh Trương Văn Hiền (Đăk Lắk) tâm sự: “Trải qua cuộc chiến sinh tử nhưng thoát khỏi cái chết, được trở về quê hương là may mắn, hạnh phúc lớn nhất trong đời nên dù sống khổ như thế nào cũng cố gắng chịu đựng. Tôi chỉ có mong ước là cùng những anh em sống sót trong trận chiến năm xưa ra thăm lại Trường Sa để thắp nén nhang, thả vòng hoa xuống biển tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh. Nhưng điều này sẽ khó thực hiện nếu không có đơn vị cũ giúp đỡ”. Riêng Lê Hữu Thảo, từ ngày trở về từ Trường Sa, anh có hai điều tâm nguyện. Một là có ngày được về quê Trần Văn Phương, thăm mẹ anh Phương và thắp nén nhang trước mộ anh. Điều thứ nhất anh vừa hoàn thành cũng trong ngày tháng ba vừa qua. Ước nguyện thứ hai tuy đơn giản nhưng chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Đó là: “Một lần ra lại Trường Sa, để được gọi tên đồng đội cũ, được thả một vòng hoa trắng xuống biển xanh để tưởng nhớ những người mãi mãi nằm lại dưới đó”…
Nguyễn Tú - Nguyễn Phúc - Ngọc Quyền - Thanh Hùng |
Nguyễn Tú
>> Vì Hoàng Sa, Trường Sa
>> Mãi mãi Hoàng Sa
>> Mãi mãi Hoàng Sa - Kỳ 2: Thiên nhiên ở đảo
>> Mãi mãi Hoàng Sa - Kỳ 3: Trách nhiệm với biển đảo Tổ quốc
>> Quyết liệt vì Hoàng Sa
>> Xứng danh con cháu đội hùng binh Hoàng Sa
>> Gặp gỡ Hoàng Sa, Trường Sa
>> Môt đời vì Hoàng Sa-Trường Sa
>> Cương Quyết với Hoàng Sa
>> Tri ân liệt sĩ Nhà giàn DK1
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Máu xương làm dấu mốc biên cương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Mòn mỏi đợi em về
>> Tri ân các liệt sĩ Khánh Hòa hy sinh ở Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma - Muốn ra nơi con bị giặc sát hại
>> Tri ân các liệt sĩ Hà Tĩnh hy sinh ở Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma - Khát vọng phụng sự Tổ quốc
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Quyết chiến bảo vệ đảo
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa - Phú Yên
>> Tri ân liệt sĩ Hà Nội và Hà Nam hy sinh ở Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Đây là lãnh thổ Việt Nam!
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Về quê hương anh hùng Trần Văn Phương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma và Nhà giàn DK1
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị
>> Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1 - Ôm cờ Tổ quốc vào lòng
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Tri ân lính Hoàng Sa
>> Khởi động đợt 2 chương trình Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Nhà giàn DK1: Hy sinh khi chưa biết mặt con
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma và Nhà giàn DK1
>> Em trai liệt sĩ Gạc Ma có việc làm
>> Bố trí công việc cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma
Bình luận (0)