Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết việc thiếu hụt nhân sự đăng kiểm đang rất căng thẳng tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương trên cả nước, do nhiều trung tâm đăng kiểm bị điều tra.
Cục Đăng kiểm đang nghiên cứu các giải pháp để đề xuất cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn do thiếu hụt nhân sự đăng kiểm, tạo thuận lợi cho người dân khi đi đăng kiểm.
Sửa quy định 3 đăng kiểm viên trên một dây chuyền
Theo ông Tô An, giải pháp cấp bách là cần sửa đổi quy định và cho phép hai đăng kiểm viên thực hiện một dây chuyền kiểm định. Quy định hiện hành đang là tối thiểu 3 đăng kiểm viên 1 dây chuyền.
Ông An cho rằng, việc sắp xếp một dây chuyền kiểm định có đăng kiểm viên chuyên môn cao, có thể đánh giá được tất cả các hạng mục trong quy trình kiểm định, giảm bớt áp lực về số đăng kiểm viên trên một dây chuyền, từ đó tăng năng suất lao động và khả năng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm xe của người dân.
Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được khi xem xét, sửa đổi Nghị định 139 hiện nay. Để giải quyết tình thế thiếu nhân sự trầm trọng trước mắt, Cục Đăng kiểm cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn cho phép giảm thời gian tuyển dụng đăng kiểm viên để bù đắp lượng nhân sự đang thiếu hụt tại các đơn vị trực thuộc cục.
Cụ thể, quy định tuyển dụng đăng kiểm viên bậc cao hiện nay rất chặt chẽ như phải có nhiều năm kinh nghiệm làm đăng kiểm viên. Song theo ông An, trong một số tình huống khẩn cấp bắt buộc, cần có cơ chế cho phép áp dụng các giải pháp khẩn cấp. Ví dụ như được phép tuyển dụng đăng kiểm viên tốt nghiệp khoa cơ khí từ các trường đại học Bách khoa, có 3 năm kinh nghiệm tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng; thi đậu các bài kiểm tra lý thuyết, đánh giá năng lực thực hành thì có thể làm đăng kiểm viên hoặc được cấp chứng nhận đăng kiểm viên đủ tiêu chuẩn bậc cao...
Đăng kiểm viên bị khởi tố vẫn tại ngoại được làm việc
Trước đó, trong cuộc họp hôm 22.2 của Sở GTVT Hà Nội, sau khi nắm bắt thông tin về khó khăn về nguồn nhân lực, đại diện ngành công an đã đề xuất giải pháp để các đăng kiểm viên vi phạm chủ động ra đầu thú, tuỳ theo mức độ thành khẩn, khả năng khắc phục hậu quả, cơ quan công an vẫn khởi tố nhưng cho cơ chế không bị tạm giữ mà được tại ngoại, trung tâm đăng kiểm cũng tiếp tục được sử dụng.
Trước mắt, để khắc phục thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng, Cục Đăng kiểm đang sử dụng 12 đăng kiểm viên đang tại ngoại để hoạt động tại 2 trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội. "Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của luật sư và các quy định liên quan của Bộ Nội vụ, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp người dân bị khởi tố nhưng chưa bị tạm giam thì chưa mất quyền công dân, vẫn có thể làm việc nếu được cho phép", ông An nói.
Đề xuất cho phép trung tâm bảo dưỡng được kiểm định
Theo ông Tô An, đây mới chỉ là ý tưởng, song không phải là việc mới vì đã được áp dụng nhiều nước... Theo đó, các nước cho phép cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S được kiêm luôn chức năng kiểm định ô tô. Mô hình này có thể tận dụng triệt để nguồn lực xã hội từ cơ sở vật chất của các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Để ngăn chặn tình trạng cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S "vừa đá bóng, vừa thổi còi", khi hết thời hạn bảo hành bảo dưỡng, chủ phương tiện có quyền lựa chọn việc đưa xe đến đâu để bảo dưỡng và có quyền từ chối dịch vụ bảo dưỡng của cơ sở đưa ra hạng mục sửa chữa tuỳ tiện, vô lý. Tuy nhiên, về lâu dài nếu ý tưởng này được xem xét, sẽ phải sửa đổi các quy định liên quan, vì Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới không cho phép các cơ sở bảo dưỡng tham gia lĩnh vực này.
Từ tháng 7 có thể miễn đăng kiểm ô tô mới
Cục Đăng kiểm đã xây dựng và trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trong đó có quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới.
Nếu dự thảo được ban hành, Cục Đăng kiểm Việt Nam đặt mục tiêu từ 1.7 sẽ miễn đăng kiểm lần đầu với xe ô tô mới, áp dụng với các phương tiện có thời gian lưu kho tối đa được 23 tháng kể từ khi xuất xưởng, với 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, sau khi đăng ký xe, chủ xe không cần đưa xe đến các đơn vị đăng kiểm nhưng vẫn cần mang giấy đăng ký xe đến các đơn vị này để lập hồ sơ phương tiện, nhận giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhận tem kiểm định xe và nộp phí sử dụng đường bộ.
Chủ phương tiện được miễn đăng kiểm bằng đúng chu kỳ đăng kiểm đầu tiên (ví dụ 30 tháng đối với ô tô con), tính từ ngày đến trung tâm đăng kiểm làm các thủ tục trên.
Giai đoạn 2 phương tiện được miễn kiểm định lần đầu ngay từ khi xe xuất xưởng tại các nhà máy. Sau khi trải qua quy trình kiểm tra các hạng mục an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy chuẩn của nhà máy, phương tiện được cấp giấy xuất xưởng và được dán tem kiểm định ngay tại đây (thời gian vẫn bằng chu kỳ đăng kiểm đầu tiên của phương tiện so với quy định hiện hành, ví dụ 30 tháng đối với ô tô con). Khi người dân mua phương tiện, xe đã được miễn kiểm định mà không cần đến các trung tâm đăng kiểm lập hồ sơ phương tiện hay nhận tem kiểm định để dán trên xe.
Thiếu hụt nhân sự đăng kiểm nghiêm trọng
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến 26.2, cả nước có 2.014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Số đăng kiểm viên đang làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người, trong khi để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên.
Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm, để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ sẽ cần khoảng 240 - 250 đăng kiểm viên (trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao). Hiện nay thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên (tương đương khoảng 50% số người cần có).
Tại Hà Nội, chỉ còn 16/31 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động với 31/61 dây chuyền kiểm định (chiếm 53% so với trước đây). Dự báo số đơn vị đăng kiểm dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng trong tuần này do thiếu nhân sự. Khu vực TP.HCM hiện có 11/19 đơn vị đăng kiểm hoạt động với 26/48 dây chuyền kiểm tra (chiếm 54% so với trước đây).
Bình luận (0)