3 quy định mới liên quan đến công chức, viên chức có hiệu lực từ 1.8

Thu Hằng
Thu Hằng
01/08/2021 06:32 GMT+7

Chính thức bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; quy định mã số, mức lương; thêm trường hợp được nâng lương là 3 chính sách mới liên quan đến công chức , viên chức có hiệu lực trong tháng 8.

Trình độ ngoại ngữ chỉ cần phù hợp với yêu cầu công việc
Theo Bộ Nội vụ, trước đây, tại Thông tư 11/2014, quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức hành chính, văn thư yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Đối với ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 đến bậc 1 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam kèm chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Các ngạch công chức văn thư phải có chứng chỉ ngoại ngữ từ bậc 3 đến bậc 1 (hoặc tương đương) và chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Tuy nhiên, tại Thông tư 02/2021, có hiệu lực từ ngày 1.8.2021, một điểm đáng chú ý, không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức hành chính, văn thư.
Thay vào đó, thông tư yêu cầu công chức hành chính có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch.

Quy định mã số, mức lương đối với công chức hành chính

Cũng từ ngày 1.8, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và xếp lương công chức hành chính sẽ thay đổi theo quy định mới của Bộ Nội vụ.
Theo đó, ngoài tiêu chuẩn chung về phẩm chất, công chức thuộc các ngạch khác nhau cũng phải đảm bảo chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn riêng.
Cụ thể, việc bổ nhiệm và xếp lương vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư 02 phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và nghiệp vụ chuyên môn đảm nhận của công chức.
Khi bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, công chức chuyên ngành văn thư tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch công chức.
Về xếp lương, đối với ngạch chuyên viên cao cấp mã số 01.001, hệ số từ 6,2 - 8,0, lương từ 9,238 - 11,92 triệu đồng.
Chuyên viên chính, mã số 01.002, hệ số lương từ 4,4 - 6,78, mức lương từ 6,556 - 10,102 triệu đồng.
Chuyên viên, mã số 01.002, hệ số từ 2,34 - 4,98, mức lương từ 3,486 - 7,42 triệu đồng.
Cán sự, mã số 01.004, hệ số từ 2,1 - 4,89, mức lương từ 3,129 - 7,286 triệu đồng.
Nhân viên, mã số 01.005, hệ số từ 1,86 - 4,06, mức lương từ 2,771 - 6,049 triệu đồng.
Trường hợp công chức chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện để chuyển xếp lương vào ngạch cán bộ, nhân viên thì tiếp tục được xếp lương theo ngạch công chức hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1.8.

Thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự được tính xét nâng lương

Từ 15.8, Thông tư 03/2021 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ có hiệu lực.
Thông tư bổ sung trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, đó là thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ theo luật Nghĩa vụ quân sự.
Đồng thời, thông tư cũng bổ sung thêm một số khoảng thời gian không tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm: thời gian đào ngũ; thời gian thử thách khi hưởng án treo; thời gian nghỉ công tác chờ tuổi nghỉ hưu.
Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức cũng được thay đổi từ ngày 15.8.2021.
Theo đó, cán bộ, công chức được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên sẽ được nâng bậc lương thường xuyên (trước đây là “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực” cũng thuộc diện được nâng bậc lương).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.