3 xu hướng mới của thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020

15/02/2020 08:22 GMT+7

2019 là một năm đầy biến động của ngành thương mại điện tử Việt Nam khi những công ty mới đầy tham vọng gia nhập thị trường, bên cạnh những công ty từng được coi là “có số có má” đột ngột rời khỏi sân chơi.

Năm 2020 hứa hẹn sẽ là một năm đặc biệt thú vị của ngành. Dưới đây là ba dự đoán về thương mại điện tử Việt Nam trong năm nay dựa theo các nhà phân tích của iPrice trong một bài viết vừa đăng tải trên TechinAsia:

Tập trung gia tăng lợi nhuận thay vì tăng trưởng

Ai trong giới kinh doanh chắc cũng đã biết chuyện gì đã xảy ra với WeWork trong năm 2019 và nó đã ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư như với các công ty khởi nghiệp như thế nào. Các nhà đầu tư giờ đây đã trở nên thận trọng hơn, họ muốn chắc chắn rằng mình đang bỏ tiền vào các công ty có tiềm năng thực sự và bền vững.
Châu Á và những biểu tượng “kỳ lân” về tăng trưởng nổi tiếng của nó đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi này. Tháng 12 năm ngoái, công ty khởi nghiệp kỳ lân Ola nổi tiếng của Ấn Độ đã phải cắt giảm 5-8% lượng nhân viên của họ. Trong khi một công ty khởi nghiệp khác của Ấn Độ là Oyo vốn đang phát triển nhanh chóng nhưng gần đây cũng phải sa thải hàng ngàn nhân viên.
Tại Đông Nam Á, kỳ lân Bukalapak của Indonesia cũng đã tái cấu trúc công ty bằng cách sa thải một phần lực lượng lao động do nhu cầu của các nhà đầu tư thay đổi. Ông Teddy Oetomo - Giám đốc chiến lược của công ty thương mại điện tử này lý giải, “trọng tâm của chúng tôi đã không còn là tăng trưởng nữa, mà nhắm tới xây dựng một công ty bền vững”.
Tại Việt Nam, xu hướng này cũng bắt đầu diễn ra ngay trong năm 2019 với việc hai công ty thương mại điện tử lớn công bố đóng cửa sàn thương mại trực tuyến của họ để tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận. Trong đó, Lotte.vn đóng cửa ngay giữa lúc họ có kế hoạch thay đổi chiến lược bán lẻ. Một trang web thương mại điện tử khác đã bị ảnh hưởng là Adayroi của tập đoàn Vingroup - nó bị đóng cửa khá đột ngột vào cuối năm 2019 và được cho là đang chuyển sang mô hình bán lẻ mới.
Nhìn vào những trang thương mại điện tử lớn còn lại trong nước, dễ dàng nhận thấy hầu hết trong số đó đều phụ thuộc vào túi tiền của các nhà đầu tư. Shopee Vietnam, Lazada Vietnam, Tiki.vn và Sendo - bốn trang thương mại điện tử trực tuyến được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam - đều báo cáo các khoản lỗ lớn trong năm 2018 và sau đó tiếp tục huy động thêm nguồn tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2019.
Nhưng rồi các công ty này sẽ sớm phải bắt đầu suy nghĩ về việc thay đổi mô hình kinh doanh của họ theo hướng tạo ra lợi nhuận, thay vì chạy theo hướng tăng lưu lượng truy cập hoặc số lượng người dùng, nếu họ không muốn nhận số phận tương tự như Lotte.vn và Adayroi.

Nỗ lực về cơ sở hạ tầng

Sự không hài lòng trong trải nghiệm giao hàng là một điều khá phổ biến đang diễn ra trong hoạt động thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của iPrice và Parcel Performance, 34,1% người dùng thương mại điện tử trong khu vực vẫn chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát bưu kiện mà họ nhận được. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy trung bình phải mất 5,6 ngày sản phẩm mới được chuyển phát đến tận tay người mua, tốc độ giao dịch chậm thứ hai trong khu vực.
Nhận thấy nhu cầu về tốc độ giao hàng nhanh chóng và kịp thời của người tiêu dùng là chính đáng, các công ty thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng với nhiều chiến lược khác nhau.

Cải thiện tốc độ giao hàng là yếu tố sống còn của các dịch vụ thương mại điện tử

Ảnh: Hữu Thắng

Đáng chú ý nhất trong số đó là Tiki Now - một chính sách vận chuyển hỏa tốc của Tiki hứa hẹn sẽ giao sản phẩm tận tay người mua trong vòng hai tiếng đồng hồ. Để thực hiện chiến lược này, startup thương mại điện tử của Việt Nam đã yêu cầu người bán giữ tất cả các mặt hàng của họ tại kho của mình (dưới dạng ký gửi). Để đảm bảo hơn, họ cũng đang đầu tư tiền vào kho bãi bằng việc ký hợp đồng với Unidepot , một nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đang sở hữu có 35.000 mét vuông không gian lưu kho trong nước.
Chiến lược mới của Tiki đã nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ giao hàng tại Việt Nam, điều này đã buộc các đối thủ cạnh tranh phải đưa ra các chính sách giao hàng nhanh hơn. Shopee hiện cung cấp giao hàng trong bốn giờ và Sendo đã tiến thêm một bước bằng cách cung cấp giao hàng trong ba giờ đồng hồ.
Nhìn vào năm 2020, cơ sở hạ tầng giao hàng sẽ tiếp tục đóng một phần quan trọng trong sự lựa chọn của người tiêu dùng và sẽ tập trung hơn vào sự cạnh tranh giữa các công ty. Dữ liệu từ báo cáo Q&Me trong năm 2019 cho thấy, giao hàng nhanh vẫn nằm trong số 5 lý do hàng đầu để mua sắm trực tuyến của người Việt Nam vào năm 2020.
Dịch vụ khách hàng nhanh chóng, đúng giờ, đáp ứng nhanh và thậm chí có thể trở thành một yếu tố quyết định trong không gian thương mại điện tử trong thời gian tới.

Nhu cầu của khách hàng ngày càng trở nên đa dạng

Năm 2019 đánh dấu sự đi xuống của một số doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam, nhưng nó cũng đánh dấu sự xuất hiện của những doanh nghiệp nhỏ hơn nhưng hiệu quả hơn.
Hồi tháng 10 năm ngoái, một startup đáng chú ý là Lozi - một cổng thông tin thương mại điện tử theo mô hình “từ người dùng tới người dùng” đã công bố họ được đảm bảo khoản đầu tư 8 chữ số. Công ty hiện đặt mục tiêu trở thành giải pháp “giao dịch một cửa” cho nhu cầu giao hàng trong một giờ của người tiêu dùng Việt Nam.
Các ví dụ khác bao gồm Telio, một nền tảng từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp đã huy động 25 triệu USD trong vòng huy động vốn series A vào tháng 12.2019 và Leflair - một startup đã huy động 7 triệu USD vào tháng 1.2019 để mở rộng đầu tư trong khu vực trước khi đóng cửa trang web thương mại điện tử tại Việt Nam cách đây một tuần do áp lực về chi phí vận hành.
Có rất nhiều công ty khởi nghiệp phát triển nhanh hơn như các ví dụ trên, chẳng hạn như The Gioi SkinFood hay Fado.vn, điểm tương đồng giữa các công ty khởi nghiệp này là tất cả đều phục vụ cho một thị trường hẹp cụ thể, thay vì cạnh tranh trực diện ở toàn quy mô với các ông lớn thương mại điện tử khác.
Dường như nhu cầu mua sắm trực tuyến của người Việt đang tăng nhanh, nên sự tinh tế và kỳ vọng của họ cũng sẽ tăng. Ngày càng có nhiều người tìm kiếm các sản phẩm, nhãn hiệu hoặc dịch vụ cụ thể phục vụ cho các nhu cầu riêng biệt ngày càng cao của họ. Đó là lúc xuất hiện những kẻ đến người đi như H&M hay Leflair.
Điều này mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp thương mại điện tử có nỗ lực vượt bậc trong năm 2020 và xa hơn, nó tạo cơ hội cho những ông lớn để tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.