Đó là thông tin được PGS-TS Trần Hải Yến, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết sáng 17.1 tại buổi đưa vào hoạt động Viện Nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến ở TP.HCM (do PGS-TS Trần Hải Yến làm viện trưởng).
Theo PGS-TS Trần Hải Yến, hiện thế giới có hơn 300 triệu người bị mù và thị lực thấp. Cứ 5 giây thế giới có một người bị mù, và cứ 1 phút trên thế giới có 1 trẻ em bị mù. Riêng tại Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực thấp.
Các nguyên nhân chính gây mù hiện nay là do đục thủy tinh thể (chiếm hơn 66%), kế đến là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ. Trong đó, đáng lưu tâm là tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng gia tăng ở thanh, thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở học sinh thành phố lớn.
Theo bác sĩ, cuộc sống công nghệ hiện đại, trẻ em tiếp xúc sớm, nhiều với các phương tiện (ti vi, điện thoại, máy tính...), ít vận động, hoạt động ngoài trời... là các yếu tố làm ngày càng gia tăng tật khúc xạ ở trẻ em, nhất là cận thị.
"Các chuyên gia của lĩnh vực mắt trên thế giới dự báo đến năm 2050 có 80% trẻ trên thế giới bị cận thị", PGS-TS Trần Hải Yến cho biết.
Mục đích ra đời Viện nghiên cứu thị giác nhằm tạo điều kiện để các bác sĩ có cơ hội tiếp cận, thực hiện các ý tưởng nghiên cứu; hợp tác trong và ngoài nước trong nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo chuyển giao chuyên môn về điều trị các bệnh ở mắt...
Bình luận (0)