30 năm 'cõng' chữ ra khơi

19/10/2024 09:00 GMT+7

Xa đất liền nhất trên vùng biển tây nam có một hòn đảo ít người biết tới mà việc đến được đây dù chỉ một lần có lẽ cũng là hành trình gian nan đối với bất kỳ ai.

Ấy vậy mà gần 3 thập kỷ đằng đẵng trôi, cô Võ Thanh Kiều vẫn lặng lẽ đi về, bền bỉ gieo chữđảo tiền tiêu Thổ Châu (TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), điều thoạt nghe thôi cũng đủ khiến ta cảm phục. Như con ong cần mẫn mang mật ngọt là ánh sáng tri thức đến nơi đầu sóng ngọn gió, chấp nhận sống xa gia đình, con cái, song người chiến sĩ "diệt giặc dốt" thời bình ấy vẫn ngần ngại nói về bản thân, cho rằng đó chỉ là trách nhiệm và hơn hết là lòng mến trẻ, yêu nghề.

30 năm 'cõng' chữ ra khơi- Ảnh 1.

Khoảnh khắc cô Kiều đứng lớp

ẢNH: NVCC

Tình nguyện đến vùng đất khó

Trong dòng chảy lịch sử, Thổ Châu là hòn đảo có quá khứ khá đặc biệt khi sau ngày 30.4.1975 từng bị Pol Pot chiếm đóng trái phép và bắt cóc toàn bộ hơn 500 dân đảo đi thủ tiêu. Từ vùng đất chết, Thổ Châu đã dần hồi sinh; năm 1992, 6 hộ dân đầu tiên được vận động ra đây trước khi xã đảo chính thức được tái lập vào tháng 4 của một năm sau đó.

Xã đảo tái lập không lâu thì thầy Đào Hữu Quốc, chồng cô Võ Thanh Kiều được tăng cường ra đảo. Như bất kỳ rẻo đất xa khơi nào, Thổ Châu cũng thiếu điện đường trường trạm, nước ngọt khan khiếm, đời sống người dân vẫn còn chật vật, bấp bênh. Khi cái đói nghèo còn đè nặng hai vai thì vấn đề học tập của con em với người dân đất đảo chỉ là thứ yếu. Lúc đó, thầy Quốc là một trong hai giáo viên đầu tiên của một Thổ Châu hãy còn hoang sơ. Lớp học cũng đơn sơ, chòi tranh vách lá tạm bợ. Hai thầy chia nhau dạy cả sáng – trưa – chiều, vật lộn với những đứa trẻ tuổi tác lỡ cỡ, mỗi lớp chỉ vài em. Không đủ chỗ nên phải dồn vào học ghép. Mỗi lần lên dạy phải chuẩn bị 2-3 giáo án, dựng bảng hai đầu.

Tháng 3.1996, khi cô Kiều từ Rạch Giá tình nguyện theo chồng ra đảo công tác, tình trạng lớp ghép vẫn còn diễn ra thường xuyên. "Cơ sở vật chất không có, lớp thiếu học sinh, có bao nhiêu dạy linh động bấy nhiêu; quá ít giáo viên nên mỗi ngày đều phải dạy nhiều ca, có khi không đủ chỗ học phải mượn nhà dân hoặc hội trường UBND xã", cô Kiều nói.

Ngày ấy, xã đảo còn nghèo, điều kiện sống vô cùng thiếu thốn. Cô Kiều cho biết: "Đồ ăn thức uống quá đắt, đặc biệt là rau củ bởi vận chuyển khó, dễ hư hao nhưng vẫn không đủ cung cấp cho dân đông. Giáo viên không có nhà ở, phải ở tạm nhà thiết bị cũ. Trường lớp thiếu sáng vì không có điện 24/24, phương tiện thông tin không kịp thời".

Và đoạn trường nhất có lẽ là chuyện đi lại, điều đáng sợ nhất lúc bệnh tật ốm đau. Mãi gần đây tàu trung tốc Thổ Châu 09 mới hoạt động rút ngắn thời gian từ Phú Quốc ra đảo xuống khoảng 4-5 tiếng, tùy tình hình thời tiết và sóng biển.

30 năm 'cõng' chữ ra khơi- Ảnh 2.

Niềm vui năm mới của cô trò trên lớp học

"Ngày trước mùa hè muốn về bờ phải đi nhờ tàu hàng vào Phú Quốc, vạ vật lắm vì tàu chỉ cập đảo lúc nửa đêm. Rồi từ đó giang tàu cá về Kiên Giang, cả hành trình có khi mất 17-18 tiếng. Sau này có tàu khách để phục vụ bộ đội và dân nhưng chỉ duy nhất một chuyến nên rất chật vật, ra vô có khi cũng không theo lịch trình như bây giờ nên phải canh. Nghe phong thanh có tàu là ôm quần áo đi ra xong tiu nghỉu đi vào vì tàu không đến. Đảo có 2 bãi, hồi tàu ra, thuận sóng thì cập Bãi Ngự nơi dân ở, không thuận thì cập chỗ khác phải đi bộ đường núi cả 10 cây số, may mắn gặp xe bộ đội thì quá giang", cô Kiều kể.

Gian nan là vậy nhưng chính môi trường sống trong lành, con người thân thiện đã níu chân cô giáo trẻ ngày ấy đến nay đã gần 30 năm, nhất là tình yêu dành cho các em học trò hồn nhiên thơ ngây, đau đáu vì tương lai trẻ nhỏ nơi biên giới hải đảo đã giúp cô thêm vững bước.

Những lớp học bất quy tắc

Vì điều kiện sống ở đảo khá đặc thù, đa phần là dân đi biển nên cuộc sống không cố định. Lớp học không bao giờ xác định được sĩ số phần vì những đứa trẻ lớn lên có khi theo cha mẹ đến vùng biển khác hoặc về bờ sống cùng ông bà. Số còn ở lại, ngay cả vào năm học rồi vẫn bị cuốn vào chuyện mưu sinh. "Có em đi làm mực, vác đồ thuê, phần nhiều theo cha mẹ ra khơi 5-10 ngày, nếu gặp bão cả tháng trời mới trở lại học được", cô Kiều nói.

30 năm 'cõng' chữ ra khơi- Ảnh 3.

Cô Võ Thanh Kiều - người 30 năm "cõng" chữ ra khơi

ẢNH: NVCC

Học sinh ở đây không phải nghỉ luôn mà là vừa học vừa nghỉ. Một phần còn vì điều kiện tự nhiên. Nếu ai đã từng đặt chân đến Thổ Châu sẽ biết hàng năm hòn đảo chịu ảnh hưởng của mùa gió, người dân phải chuyển bến dời nhà hai lần. Lúc ở Bãi Ngự khi về Bãi Dong. Khoảng cách giữa hai bãi khoảng 10 km. Những đứa trẻ theo nhà đi chạy gió đồng thời tìm kế sinh nhai. Mới ít tuổi nhưng đã có thể phụ giúp gia đình nuôi cá lồng bè hoặc chạy đò đưa rước ngư phủ ngoài khơi vào đảo để xả hơi giữa những chuyến biển dài đôi ba tháng.

Mỗi năm không biết bao nhiêu lần cô Kiều đến từng bè cá ngư dân để vận động. Dù yêu quý thầy cô, nhưng mưu sinh lại là câu chuyện khác, khắc nghiệt và nhọc nhằn. Vào mùa mưa bão thu nhập rất thấp có khi gạo ăn còn thiếu. "Giáo viên phải chia nhau đến nhà phụ huynh, tỉ tê hỏi chuyện, không phải người thầy dạy chữ mà đồng cảm chia sẻ như người trong gia đình. Làm vậy mới thuyết phục các bậc cha mẹ ủng hộ chuyện học hành của con, vì tương lai các em", cô Kiều tâm sự.

Lớp học chẳng những ít khi đủ người, giáo án cũng không thể máy móc theo chuẩn như trong đất liền được. Ngay cả giờ giấc giảng dạy cũng phải linh hoạt, nương theo các em. "Có mấy em ban ngày nghỉ học đi chạy đò, phải tạo điều kiện cho các bạn học ban đêm. Nhân đó cô trò thăm hỏi, tâm sự để hiểu nhau hơn", cô Kiều nói.

Niềm vui bé nhỏ của cô Kiều là những ngày nghỉ cùng học trò đi biển câu cá, đi rừng hái rau; thỉnh thoảng cô dẫn các em dã ngoại trên trạm radar thăm các chú bộ đội, vun đắp tình yêu biển đảo.

Tâm huyết với đảo, quyết lòng cùng dân bám đảo vì thế hệ trẻ mà cũng vì chủ quyền cương lãnh thổ quốc gia nhưng cho đến nay vẫn còn một điều khiến cô ngày đêm trăn trở. Bằng hành trình miệt mài, từ hai lớp học đầu tiên giờ Thổ Châu đã có trường mầm non, trường tiểu học và THCS nhưng học sinh hết lớp 9 phần lớn đã phải nghỉ học vì điều kiện gia đình không đủ cho đi học xa. "Tôi mong các cấp lãnh đạo có chính sách khuyến khích giáo viên vùng khó để lớp trẻ kế cận có nhiều động lực xung phong đến hải đảo xa xôi công tác, cũng là góp phần bảo vệ biên cương. Đặc biệt, nếu Thổ Châu có được trường cấp 3 như nơi khác thì thật tôi không còn mong mỏi gì hơn nữa", cô Kiều bày tỏ.

30 năm 'cõng' chữ ra khơi- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.