Những mẩu giấy bị xé vụn
Trước sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) lưu giữ một kho hồ sơ khổng lồ do Bộ An ninh nhà nước (Stasi) thu thập, trong đó chứa thông tin thu thập được thông qua hoạt động theo dõi của hàng triệu cảnh sát mật và người báo tin, theo đài Deutsche Welle.
Stasi thời còn hoạt động được cho là đã tuyển dụng hơn 270.000 người, đa phần trong đó trà trộn vào người dân để theo dõi và thu thập tin tức. Hàng ngàn gián điệp bị “vạch mặt” từ khi kho hồ sơ của Stasi được công bố sau khi nước Đức thống nhất năm 1990. Nhiều người Đông Đức biết được rằng họ đã bị chính người thân, bạn bè theo dõi.
|
Trong những ngày hỗn loạn năm 1989, các sĩ quan Stasi đã vội vàng tiêu hủy kho hồ sơ này bằng máy cắt giấy, châm lửa đốt và nhiều tài liệu bị xé bằng tay. Tuy nhiên, nhiều tổ chức dân sự đã xông vào các văn phòng của Stasi và giữ lại hàng triệu hồ sơ, hơn 16.000 bao đựng những mảnh giấy bị xé vụn, hơn 1,7 triệu bức ảnh cùng hàng ngàn cuốn băng ghi âm, ghi hình.
Trong suốt những năm về sau, kho hồ sơ này được bảo quản độc lập. Nhiều người sống ở Đông Đức trước đây đăng ký để xem qua các hồ sơ, chủ yếu để biết được nhà nước lưu trữ thông tin gì về họ và ai là người cung cấp thông tin.
|
Đậy nắp lên lịch sử
Quốc hội Đức gần đây đã bỏ phiếu thông qua quyết định gộp toàn bộ số hồ sơ này vào kho lưu trữ liên bang trong 2 năm tới khiến nhiều chính trị gia, sử gia, nhà hoạt động phản đối.
Họ sợ rằng những hồ sơ của Stasi sẽ bị trộn lẫn vào kho dữ liệu lớn của chính quyền liên bang và khó để tìm lại được, những thông tin nhạy cảm có thể sẽ bị che giấu mãi mãi.
|
Ông Werner Schulz, người chỉ trích chính quyền Đông Đức và hiện là thành viên đảng Xanh của Nghị viện châu Âu, gọi quyết định lần này là “đậy nắp lên lịch sử” trong khi sử gia Hubertus Knabe nói trên tờ Bild rằng cơ quan quản lý kho hồ sơ của Stasi – quá khứ của Đông Đức sẽ không còn tồn tại sau năm 2021 khi việc sáp nhập diễn ra.
Trong khi đó, ủy viên đặc biệt Roland Jahn, người phụ trách quản lý kho hồ sơ Stasi, phản bác những chỉ trích, nói rằng hàng triệu tài liệu sẽ được bảo quản tốt hơn và sẽ được số hóa, vì tại thời điểm này mới chỉ có 2% số hồ sơ được lưu trữ trên máy tính. Ông Jahn cam kết giới sử gia, nhà báo hay những nạn nhân của Stasi vẫn được tiếp cận với kho hồ sơ này, theo AFP.
Những người lắp ghép
Năm 1995, chính quyền Đức lập ra một đơn vị làm nhiệm vụ lắp ghép những mẩu hồ sơ bị xé nhỏ thành văn bản hoàn chỉnh. Từ đó đến nay, khoảng 500 bao chứa hồ sơ bị xé (mỗi bao ghép được khoảng 3.500 trang giấy) đã được ghép lại hoàn chỉnh và hé lộ ra nhiều thông tin bom tấn. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đang phát triển một chiếc máy với công nghệ mới nhằm giúp nhận diện và ghép nối các mảnh giấy nhanh hơn, theo AFP.
|
Bình luận (0)