Nguyên nhân khiến giảm cân thất bại, thậm chí gây tăng cân có thể xuất phát từ các yếu tố sau, theo Eat This, Not That.
1. Kháng insulin
Sau khi ăn, cơ thể sẽ tiết hoóc môn insulin để điều chỉnh lượng đường glucose trong máu. Insulin giúp mỡ, cơ bắp và gan hấp thu được đường glucose. Do đó, ăn càng nhiều đường và carbohydrate thì cơ thể càng cần insulin.
Tuy nhiên, với những người bị kháng insulin, các tế bào sẽ không phản ứng tốt với loại hoóc môn này, khiến đường huyết ở mức cao và gây tăng cân. Do đó, những người bỗng dưng bị tăng cân không giải thích được, đặc biệt là tích mỡ ở bụng, thì cần đến bác sĩ kiểm tra.
Kháng insulin có thể được điều trị bằng một số loại thuốc và chế độ ăn ít carbohydrate.
2. Mất cân bằng hoóc môn
Mặc dù các hoóc môn trong cơ thể đàn ông và phụ nữ có nhiều điểm khác nhau nhưng để tránh tăng cân, một số loại hoóc môn quan trọng phải được duy trì ở mức ổn định.
Ví dụ điển hình là hoóc môn sinh dục nữ estrogen và hoóc môn sinh dục nam testosterone. Đối với phụ nữ, có quá nhiều estrogen có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin và tích trữ nhiều mỡ thừa hơn. Ở nam giới, testosterone quá ít sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, gây dư thừa calo và tăng cân.
Nếu cảm thấy cơ thể bị mất cân bằng hoóc môn thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị thích hợp, theo Eat This, Not That.
3. Ăn quá nhiều protein
Ăn đủ protein sẽ giúp cơ thể giảm cân. Tuy nhiên, những món giàu protein như sữa, thịt, trứng vẫn chứa calo. Ăn nhiều sẽ gây thặng dư calo và làm tăng cân.
4. Dùng một số loại thuốc
Tăng cân là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc kê đơn phổ biến, đặc biệt là thuốc điều trị các loại bệnh tâm thần như rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt. Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm, điều trị động kinh cũng có thể gây tăng cân, theo Eat This, Not That.
Bình luận (0)