4 sinh viên sẽ sống 200 ngày biệt lập để trải nghiệm 'phi hành gia'

11/07/2017 14:56 GMT+7

Các sinh viên sẽ sống cô lập trong hai cabin lớn. Điều kiện sống của họ được mô phỏng như trong trạm không gian được đặt ở hành tinh khác . Cả nhóm phải tái chế mọi thứ để sử dụng lại, từ thực vật đến nước tiểu.

Các sinh viên Trung Quốc sống biệt lập trong cabin Cung điện Mặt trăng - Ảnh: Reuters

Đây là một phần của dự án nhằm tạo ra mô hình có thể giúp con người tự cung tự cấp để tồn tại trong không gian. Những người tham gia dự án đã bước vào cabin, được gọi là Cung điện Mặt trăng 1, vào ngày 9.7, theo Reuters.

Họ sẽ trải qua 200 ngày sống biệt lập trong hai cabin, được bố trí tại một cơ sở ở ngoại ô thành phố Bắc Kinh. Trong nhóm tham gia dự án có 4 sinh viên của Đại học Hàng không và Du hành vụ trụ Bắc Kinh (Trung Quốc).
Các sinh viên cho biết họ cảm thấy rất hạnh phúc khi được chọn tham gia dự án. Những trải nghiệm này có thể giúp các sinh viên tiến gần hơn đến ước mơ trở thành phi hành gia.
“Tôi sẽ gặt hái được rất nhiều thứ sau việc này. Nó thực sự là những trải nghiệm sống khác biệt”, nghiên cứu sinh Lưu Quang Huy, một trong những người tham gia dự án, nói với Reuters.

Giáo sư Lưu Hồng, kiến trúc sư trưởng của dự án, bên ngoài cabin - Ảnh: Reuters

Hiện tại, Trung Quốc đang có tham vọng trở thành cường quốc chinh phục không gian. Mục tiêu của nước này là sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò lên vùng tối của Mặt trăng vào năm 2018 và đưa người lên đó vào năm 2036.
Những kết quả thu được từ dự án 200 ngày sống trong Cung điện Mặt trăng sẽ giúp thực hiện tham vọng chinh phục mặt trăng. Giáo sư Lưu Hồng tại Đại học Hàng không và Du hành vụ trụ Bắc Kinh và cũng là kiến trúc sư trưởng của dự án cho biết những điều kiện giúp duy trì sự sống trong Cung điện Mặt trăng đã được tính toán cẩn thận.
Tuy nhiên, thứ bà quan tâm hơn không phải là điều kiện sống mà chính là những tác động tâm lý. Những ảnh hưởng do phải sống trong không gian chật hẹp suốt thời gian dài là rất quan trọng. “Họ sẽ bị trầm cảm nhẹ. Nếu sống trong thời gian dài thì có thể gây ra một số vấn đề về tâm lý”, giáo sư Lưu Hồng nói.

tin liên quan

Sinh viên tốt nghiệp tìm việc và... 'chê việc'
Cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH trong tay, nhiều cử nhân, kỹ sư được nhà tuyển dụng tiếp nhận nhưng đã từ chối chỉ vì lương thấp, công ty nhỏ không có tên tuổi, thậm chí do 'nhìn không hoành tráng'…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.