4 thói quen cần tránh vì dễ gây giãn tĩnh mạch chân

Ngọc Quý
Ngọc Quý
30/06/2024 00:08 GMT+7

Đối với một số người, giãn tĩnh mạch có thể chỉ là vấn đề thẩm mỹ ở chân. Tuy nhiên, đối với những người khác, bệnh sẽ gây đau đớn, khó chịu. Có một số thói quen hằng ngày mà người bệnh cần tránh vì có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

Giãn tĩnh mạch là tình trạng mà các van nhỏ trong mạch máu xảy ra bất thường, khiến máu ứ đọng và làm tĩnh mạch sưng lên. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến tĩnh mạch chân, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

4 thói quen cần tránh vì dễ gây giãn tĩnh mạch chân- Ảnh 1.

Mất nước hoặc tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của giãn tĩnh mạch

PEXELS

Giãn tĩnh mạch nếu không được kiểm soát có thể gây đau đớn, khó chịu, thậm chí xuất hiện các vết như phát ban, da bị đỏ và loét. Để điều trị, bác sĩ thường sẽ kê thuốc, khuyến nghị bệnh nhân tập thể dục, kê cao chân khi ngồi, nằm hoặc mang vớ nén thường xuyên.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh những thói quen sẽ khiến bệnh thêm nặng:

Mất nước

Đây là tình trạng phổ biến và dễ xuất hiện vào những tháng mùa hè, lúc nhiệt độ tăng cao. Khi bị mất nước, máu sẽ trở nên đặc hơn, từ đó làm trầm trọng hơn triệu chứng giãn tĩnh mạch. Để tránh mất nước, các chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày. Nếu vận động thể chất nhiều thì càng phải uống nhiều nước hơn.

Tiếp xúc lâu với nhiệt

Nhiệt độ cao có thể khiến tĩnh mạch ở chân giãn ra, từ đó làm máu khó chảy về tim hơn. Hệ quả là gây sưng tấy và khó chịu ở chân. Do đó, người bị giãn tĩnh mạch cần giảm thiểu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, tránh những nơi nóng bức, đồng thời tìm đến bóng râm, nơi có quạt hay máy điều hòa. Mặc các loại quần áo mỏng, thoáng mát cũng có tác dụng giúp cơ thể làm mát tốt hơn.

Ăn nhiều muối

Khi ăn món có nhiều muối, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giữ lại nước. Lúc này, lượng chất lỏng trong cơ thể sẽ tăng lên và gây áp lực lên tĩnh mạch chân. Hệ quả là làm tình trạng sưng tấy và khó chịu càng thêm nghiêm trọng. Do đó, người bị giãn tĩnh mạch cần kiểm soát lượng muối trong chế độ ăn.

Ngồi, đứng lâu

Việc ngồi, đứng liên tục trong thời gian dài sẽ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch, khiến các triệu chứng của bệnh thêm trầm trọng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nếu ngồi liên tục thì thỉnh thoảng hãy đứng dậy và đi lại. Những người phải đứng nhiều thì hãy thường xuyên chuyển trọng tâm cơ thể từ chân này sang chân kia.

Ngoài ra, người bệnh nên dành thời gian kê chân cao hơn tim vài lần trong ngày, mỗi lần kéo dài từ 15 đến 20 phút. Các bài tập như đi bộ, bơi lội hay đạp xe cũng có thể giúp thúc đẩy tuần hoàn máu tốt hơn, nhờ đó giúp giảm triệu chứng khó chịu của giãn tĩnh mạch, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.