Theo Reuters, sau đây là 5 vấn đề quan trọng sẽ được nêu lên trong buổi điều trần của các lãnh đạo công nghệ.
Vai trò của mạng xã hội trong sự kiện Điện Capitol
Những tin đồn sai lệch về gian lận bầu cử được lan truyền trên mạng xã hội là động lực thúc đẩy người ủng hộ ông Donald Trump tấn công Điện Capitol hôm 6.1. Do đó, các nhà lập pháp có thể tra vấn về vai trò của mạng xã hội trong việc kích động bạo lực.
Báo cáo của tổ chức Avaaz cho biết có 267 trang và nhóm trên Facebook chịu trách nhiệm lan truyền nội dung kích động bạo lực, trong số đó bao gồm cả những nhóm hô khẩu hiệu "Stop the Steal" (Ngưng đánh cắp cuộc bầu cử) và nhóm có 32 triệu thành viên.
Có nên sửa đổi điều luật 230?
Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ được xem như tấm khiên bảo vệ các nền tảng công nghệ khỏi các vụ kiện tụng liên quan đến nội dung do người dùng đăng tải. Dù vậy, một số đảng viên Cộng hòa đang ủng hộ loại bỏ điều 230 và lưỡng đảng cũng đề xuất cải tổ luật này.
Trong biên bản lời khai công bố hôm 24.3, Sundar Pichai và Jack Dorsey đề xuất các phương pháp như phát triển chính sách nội dung minh bạch hơn, cho người dùng nhiều cách thay đổi, báo cáo nội dung.
Bao giờ ông Donald Trump được phép quay lại mạng xã hội?
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa rất bức xúc trước quyết định đình chỉ ông Trump trên Facebook, Twitter vào những ngày cuối nhiệm kỳ của ông. Họ cho rằng hành động đó là "bóp nghẹt" tiếng nói từ phe bảo thủ.
Đảng Cộng hòa có thể gây áp lực buộc các CEO công nghệ phải đảo ngược lệnh cấm. Mặt khác, có thể họ sẽ không làm gắt chuyện này vì ông Trump đang có kế hoạch xây dựng mạng xã hội riêng trong vài tháng tới.
Tuyên truyền sai lệch về Covid-19
Ngoài thông tin gian lận bầu cử, mạng xã hội cũng là nơi bắt nguồn các tin giả xung quanh đại dịch Covid-19, như các thuyết âm mưu chống lại vắc xin, xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Gần đây, Facebook đã tiến hành xóa hơn 12 triệu bài đăng không đúng sự thật về vắc xin Covid-19.
Dẫu vậy, công ty giám sát Center for Countering Digital Hate (CCDH) cho biết cả ba nền tảng đều thất bại trong việc kiểm soát tin đồn thất thiệt. Các bộ trưởng tư pháp của 12 bang yêu cầu Facebook và Twitter phải có nhiều động thái hơn nữa để đẩy lùi vấn nạn tin giả.
Các nền tảng làm gì để ngăn chặn tin giả?
Họ đầu tư vào kiểm duyệt nội dung nhằm hạn chế thông tin sai lệch, ban hành nhiều quy định mới trong vài tháng gần đây.
Theo Mark Zuckerberg, Facebook sẽ khuyến khích tin chính thống, có thêm mạng lưới kiểm tra độ xác thực của nội dung. Ông nhấn mạnh Facebook sẽ không thiên về chính trị. Jack Dorsey sẽ giải trình về chính sách và kế hoạch đẩy lùi tin giả của Twitter và thử nghiệm chương trình Birdwatch.
Sundar Pichai liệt kê trong biên bản hàng loạt động thái của Google sau vụ việc ngày 6.1, bao gồm đưa các nguồn tin chính thống lên thứ hạng cao hơn trên công cụ tìm kiếm.
Bình luận (0)