Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 của Chính phủ cho biết, trong 19 tập đoàn, Tổng công ty do Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, đến năm 2020 có 5 doanh nghiệp có lợi nhuận âm.
Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines tổng cộng lỗ khoảng 7.000 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ khoảng 1.300 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam khoảng 5.392 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ khoảng 848,5 tỉ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam khoảng 2.450 tỉ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, có dự án sản xuất thuộc 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, giá sản phẩm đầu ra giảm mạnh (cà phê), thua lỗ đã tồn tại từ lâu và phương thức kinh doanh không hiệu quả.
Đáng chú ý, có 11/12 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, ngoài ra 4/7 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 1 lần. Nguyên nhân do hầu hết các dự án đầu tư chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay.
Cũng theo báo cáo, nhiều mục tiêu phát triển hạ tầng giai đoạn 2016-2020 không đảm bảo, trong đó các dự án, công trình giao thông khởi công mới rất ít so với quy hoạch phát triển. Việc hoàn thành 2.000 km đường bộ cao tốc chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra; chưa có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; phát triển đường sắt còn chưa được quan tâm bố trí vốn, các dự án đường sắt đô thị triển khai chậm.
Nhiều dự án trọng điểm chậm trễ kéo dài nhiều năm như cao tốc Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan, Trung Lương - Mỹ Thuận; các dự án đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên.
Bình luận (0)