50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp

Lê Cầm
Lê Cầm
17/05/2023 11:13 GMT+7

Nhiều người còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn có tỷ lệ thấp.

Gia tăng số người tăng huyết áp

"Có khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam mắc tăng huyết áp. Tăng huyết áp là tình trạng một trong hai trị số huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Theo đó, cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp", TS.BS Trần Hòa, Phó trưởng khoa Tim mach can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết.

Tuy chẩn đoán tăng huyết áp rất đơn giản, mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp.

Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, phần lớn người bệnh không tuân thủ điều trị, vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, các thống kê trên thế giới cho thấy khoảng 1,28 tỉ người trưởng thành từ 30-79 tuổi bị tăng huyết áp và hầu hết sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 46% người trưởng thành bị tăng huyết áp không biết rằng họ mắc bệnh. Chưa đến 1/2 người trưởng thành (42%) có tăng huyết áp được chẩn đoán và điều trị. Khoảng 1/5 người trưởng thành (21%) có tăng huyết áp được kiểm soát.

Theo bác sĩ Hòa, vấn đề đáng lo ngại đó là người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng chưa tuân thủ điều trị cũng chiếm đến 50%. Bên cạnh đó, nhiều người dù đã được chẩn đoán, điều trị nhưng huyết áp vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg). Nguyên nhân thường do người bệnh không tuân thủ điều trị bằng thuốc và có lối sống chưa phù hợp (thói quen ăn mặn, thiếu vận động, thừa cân - béo phì…). 

Đặc biệt, trong việc điều trị bằng thuốc, người bệnh thường quên uống thuốc, chưa phối hợp thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ hoặc uống thuốc không đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.

50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Hòa thăm khám cho bệnh nhân

M.T

Cần tuân thủ trong điều trị và tăng cường vận động

Theo TS.BS Trần Hòa, để kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn, người bệnh cần tuân thủ điều trị lâu dài theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cần tái khám ngay nếu huyết áp không ổn định. Người bệnh có huyết áp đã điều trị ổn định chỉ cần tái khám mỗi tháng hoặc thậm chí 3 tháng mới cần gặp bác sĩ.

Hiện nay, nhiều người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần mỗi ngày. Thuốc được bào chế vừa giúp kiểm soát huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ gây biến cố tim mạch. Đối với người tăng huyết áp có bệnh đồng mắc, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị bằng cách chỉ định các loại thuốc mới kết hợp kiểm soát các yếu tố nguy cơ và các bệnh đồng mắc. Người bệnh cần chủ động đo huyết áp đúng cách tại nhà. Đây một phương pháp đơn giản và thuận tiện để theo dõi sức khỏe, góp phần kiểm soát huyết áp tốt hơn.

GS.TS.BS Trương Quang Bình, chuyên gia tim mạch, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khuyến cáo người dân, hãy đi bộ 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong 1 tuần. Có thể không cần đi bộ liên tục 30 phút, chia nhỏ ra mỗi lần 5 phút, miễn sao đủ 30 phút mỗi ngày

"Nếu thường xuyên đi bộ, chỉ trong 3 tháng sẽ giúp giảm được chỉ số huyết áp. Đi bộ trong 6 tháng thì tác dụng lên huyết áp sẽ rõ rệt hơn. Những người bị tăng huyết áp thì được giảm đến 10-20 mmHg; những người không tăng huyết áp cũng giảm được 5 mmHg. Kết quả sẽ rất tuyệt vời vì chúng ta biết rằng chỉ cần giảm 2 mmHg Ha tâm thu là đã giảm được 7% nguy cơ bệnh động vành, 10% nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Bình cho hay.

Bên cạnh việc dùng thuốc để hạ huyết áp, TS.BS Trần Hòa lưu ý người bệnh phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị không dùng thuốc nhưng rất quan trọng, gồm: ăn nhạt và hạn chế tối đa lượng muối trong khẩu phần ăn, ăn trái cây hoa quả bổ sung lượng kali, giảm cân nếu thừa cân, tập luyện thể dục thường xuyên và mỗi ngày, tránh stress, giảm sử dụng đồ uống có cồn. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng hướng dẫn cách đo huyết áp đúng cách tại nhà và các phương pháp xử trí khi bị tăng huyết áp. Nhờ tuân thủ điều trị theo phương pháp tối giản, chủ động theo dõi huyết áp, thay đổi tích cực lối sống, nhiều bệnh nhân đã duy trì được huyết áp mục tiêu, giảm được cân nặng, đường huyết cũng ổn định, có thể sinh hoạt, làm việc bình thường và tiếp tục tái khám định kỳ.

TS.BS Trần Hòa nhấn mạnh thêm, để phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng, mỗi người nên nhớ đến việc đo huyết áp như nhớ tuổi của mình. Người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần. Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ và chủ động đo huyết áp đúng cách. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn phù hợp, tập luyện đều đặn để tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.