6 dấu hiệu 'tố cáo' bạn có thể bị thiếu chất sắt, chớ bỏ qua!

Khuê Nguyễn
Khuê Nguyễn
15/10/2020 00:12 GMT+7

Nếu cơ thể bạn thiếu bất kỳ loại vitamin hoặc khoáng chất nào, bạn sẽ thấy những dấu hiệu rõ ràng cho biết có điều gì đó không ổn. Và nếu bạn bị thiếu sắt, nó có thể đi kèm với một số triệu chứng khá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu sắt là vô cùng phổ biến.
Chuyên gia dinh dưỡng Angelone và cũng là người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng (Mỹ) cho biết: Thiếu sắt là tình trạng thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và những người mắc một số bệnh lý.
Amber Pankonin, chuyên gia dinh dưỡng và là chủ sở hữu của The Stirlist (Mỹ), bổ sung: Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt. Một người có thể bị thiếu sắt mà không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào, nhưng thiếu máu do thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Một trong những lý do chính khiến bạn có thể bị thiếu sắt là bạn không ăn đúng loại thực phẩm. Chuyên gia Pankonin nói: Sắt là một khoáng chất thiết yếu. Điều đó có nghĩa là cơ thể không tạo ra nó, vì vậy nó phải được thu nhận bằng cách ăn các thực phẩm giàu chất sắt.
Dưới đây là 6 dấu hiệu bạn có thể đang phải đối mặt với tình trạng thiếu sắt.

1. Mệt mỏi

Bạn có hay cảm thấy mệt mỏi không? Hãy kiểm tra xem bạn có bị thiếu sắt không.

Shutterstock

Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi nếu bạn bị thiếu sắt vì cơ thể bạn cần sắt để tạo ra hemoglobin. Hemoglobin là một loại protein được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu và có nhiệm vụ vận chuyển ô xy đi khắp cơ thể. Nếu không có đủ ô xy đến cơ thể, bạn sẽ không có nhiều năng lượng.

2. Có vấn đề về da và móng

Chuyên gia dinh dưỡng Jerlyn Jones, và chủ sở hữu của The Lifestyle Dietitian, và cũng là người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng (Mỹ) cho biết: Da nhợt nhạt và móng tay giòn/hình thìa hoặc bong tróc là dấu hiệu của việc không đủ hemoglobin để vận chuyển ô xy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể, bao gồm cả móng tay.

3. Khó thở

Chuyên gia Pankonin nói: Hemoglobin, chứa sắt, giúp vận chuyển ô xy đi khắp cơ thể. Sắt cũng đóng một vai trò tương tự trong myoglobin, một loại protein trong tế bào cơ có thể giúp vận chuyển ô xy từ tế bào hồng cầu đến cơ xương và cơ tim. Nếu thiếu sắt, điều này có thể gây ra khó thở và mệt mỏi.

4. Viêm lưỡi

Theo chuyên gia Jones, viêm lưỡi là một triệu chứng của thiếu sắt. Nồng độ sắt trong máu cạn kiệt có thể dẫn đến mức myoglobin thấp, một loại protein trong tế bào hồng cầu quan trọng đối với sức khỏe cơ bắp, bao gồm cả mô cơ của lưỡi".

5. Chán ăn

Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên PLOS ONE cho thấy bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt giảm cảm giác thèm ăn, và do đó cũng có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn, do ảnh hưởng của sắt đối với hoóc môn điều hòa sự thèm ăn ghrelin và leptin.

6. Kỹ năng nhận thức kém và trí nhớ giảm sút

Trẻ em bị thiếu sắt có liên quan đến phát triển nhận thức kém, thành tích học tập kém và các kiểu hành vi bất thường. Về cơ bản, thiếu máu do thiếu sắt là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong học tập ở trẻ em. Điều quan trọng là phải đánh giá tình trạng sắt nếu có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng, chuyên gia Angelone nói.
Ở người lớn, điều này bao gồm mất trí nhớ. Chuyên gia Pankonin cho biết thêm: Sắt là một đồng yếu tố tạo ra các enzym liên quan đến việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh.

Làm thế nào để có thêm sắt?

Để có thêm chất sắt, chế độ ăn uống của bạn nên có nhiều thực phẩm giàu chất sắt.
RDA (lượng sắt khuyến nghị hằng ngày) đối với nam giới trưởng thành là khoảng 8 mg/ngày và 18 mg/ngày đối với phụ nữ trưởng thành. Khi mang thai, con số này tăng lên 27 mg/ngày.
Theo chuyên gia Pankonin, có hai loại sắt trong thực phẩm của chúng ta: nonheme và heme. Sắt nonheme có nguồn gốc từ thực vật như các loại hạt, trái cây, rau, ngũ cốc, đậu và đậu hũ. Sắt heme được tìm thấy trong các nguồn động vật vì nó có nguồn gốc từ hemoglobin, là các tế bào được tìm thấy trong máu và myoglobin, là các tế bào được tìm thấy trong cơ. Sắt heme có nguồn gốc từ các nguồn động vật như thịt bò, thịt gà và cá.
Nguồn sắt từ động vật được hấp thụ tốt hơn. Chuyên gia Jones nói: Cơ thể hấp thụ sắt từ nguồn động vật nhiều hơn gấp 2-3 lần so với thực vật.
Mặc dù bạn hấp thụ ít chất sắt trong thực vật hơn, nhưng mỗi miếng ăn đều có giá trị, và việc bổ sung một nguồn vitamin C vào các nguồn chất sắt cho người ăn chay sẽ tăng cường sự hấp thụ.
Chuyên gia Jones nói: Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm cà chua, trái cây họ cam quýt, ớt đỏ, vàng và cam. Một số nguồn thực vật cung cấp sắt tốt nhất là: đậu và đậu lăng, đậu hũ, khoai tây nướng, hạt điều, các loại rau lá xanh đậm như rau cải xanh, ngũ cốc ăn sáng bổ sung, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì giàu dinh dưỡng.

Bạn cũng có thể chọn bổ sung sắt

Chuyên gia Jones cho biết: Nếu cần bổ sung sắt, hãy uống không quá 25 mg/ngày. Hơn 25 mg/ngày có thể làm giảm khả năng hấp thụ kẽm của cơ thể.
Tuy nhiên, phải nhớ điều này: Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi dùng thực phẩm chức năng, theo Eat This, Not That!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.