6 điều người bị giãn tĩnh mạch cần làm để kiểm soát bệnh

Ngọc Quý
Ngọc Quý
19/12/2024 00:07 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch, trong đó có yếu tố di truyền và lão hóa. Điều này khiến giãn tĩnh mạch không thể ngăn ngừa hoàn toàn. Thế nhưng, một số biện pháp sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và kiểm soát bệnh hiệu quả.

Ngoài di truyền và tuổi tác, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch là béo phì, tác dụng phụ của một số loại thuốc, ngồi hoặc đứng lâu và một số yếu tố khác. Với những người đã mắc bệnh giãn tĩnh mạch, những điều chỉnh phù hợp trong lối sống có thể giúp kiểm soát và ngăn bệnh tiến triển nặng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

6 điều người bị giãn tĩnh mạch cần làm để kiểm soát bệnh- Ảnh 1.

Giãn tích mạch chân có triệu chứng thường gặp là gây đau bắp chân

ẢNH: AI

Để giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn giãn tĩnh mạch tiến triển nặng, người bệnh có thể áp dụng những cách sau:

Chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn nhiều chất xơ, ít natri và hạn chế chất béo có hại sẽ giúp tĩnh mạch luôn khỏe mạnh. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ăn nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để tăng cường sức khỏe tổng thể. Chế độ ăn này cũng giúp tránh tăng cân và béo phì, một trong những yếu tố chính gây giãn tĩnh mạch.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện lưu thông máu, tăng cường cơ bắp chân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần bằng các bài tập như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội có thể giúp ngăn ngừa giãn tĩnh mạch.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Thừa cân sẽ gây thêm áp lực lên tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch dễ bị giãn hơn. Do đó, những người thừa cân cần giảm cân bằng việc kết hợp cả ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Mặc quần áo rộng rãi

Các loại quần áo bó sát sẽ hạn chế lưu thông máu và góp phần gây giãn tĩnh mạch. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo những người có nguy cơ cao cần mặc quần áo thoải mái để tránh bó chặt chân.

Tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài

Ngồi hay đứng liên tục nhiều giờ, kéo dài trong nhiều ngày sẽ làm căng giãn tĩnh mạch. Để ngăn ngừa giãn tĩnh mạch khi ngồi hay đứng lâu, mọi người nên thay đổi tư thế thường xuyên, đứng dậy đi bộ nhẹ nhàng mỗi 30 phút.

Kê cao chân

Kê cao chân có thể cải thiện lưu thông máu và giảm căng thẳng. Các chuyên gia khuyến cáo những người bị giãn tĩnh mạch nên kê chân cao hơn tim ít nhất 15 phút/ngày và nhiều lần trong ngày, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.