6 loại thực phẩm phổ biến này bạn chớ nên lạm dụng

Thiên Lan
Thiên Lan
17/05/2020 00:05 GMT+7

Nhiều người hoàn toàn tin tưởng vào mức độ lành mạnh của các loại thực phẩm được cho là tốt cho sức khỏe .

Thế nhưng, thực phẩm nào cho dù tốt cũng chớ nên lạm dụng mà không có lợi cho sức khỏe. Trong số đó, có những thực phẩm rất phổ biến sau, bạn cũng không nên lạm dụng, theo Bright Side.

1. Các loại nước ép trái cây đóng chai, đóng hộp

Nước ép trái cây được xem như một sự thay thế lành mạnh cho trái cây thông thường. Tuy nhiên, không chỉ chứa nhiều đường như soda, nhiều loại nước ép trái cây đóng chai hoặc đóng hộp còn thiếu vitamin và chứa lượng calo rỗng - không cung cấp năng lượng, theo Bright Side.
Nên ăn trái cây thường xuyên. Nếu thích nước trái cây, bạn có thể tự làm, nhưng hãy nhớ rằng, ngay cả nước ép trái cây tự làm vẫn chứa nhiều đường hơn so với việc ăn trái cây thông thường. Nếu sử dụng nước trái cây đóng hộp, nên xem kỹ thành phần, nguồn gốc, chọn loại không thêm đường.

2. Soda

Nên hạn chế soda, kể cả soda không đường, vì chúng không có lợi cho sức khỏe. 
Tốt nhất là nên uống nước! Một tách cà phê hoặc một tách trà không đường cũng là một lựa chọn tốt. Nếu thèm đồ ngọt, bạn có thể ăn trái cây.

3. Cá hồi nuôi

Cá hồi là nguồn tuyệt vời của chất béo lành mạnh và omega-3.
Tuy nhiên, với cá hồi nuôi, bạn phải kiểm tra kỹ. Mặc dù các quốc gia đã tuân thủ việc kiểm soát thức ăn và thuốc trừ sâu dùng cho các trang trại nuôi cá, nhưng do nhu cầu gia tăng đã khiến mật độ cá nuôi tăng lên, từ đó tạo môi trường hoàn hảo cho một loại ký sinh trùng sống trong nước phát triển. Để chống lại loài ký sinh trùng này, nhiều người nuôi cá đã tăng cường sử dụng hóa chất, theo Bright Side.
Vì vậy, nếu bạn vẫn muốn ăn cá hồi nuôi, bạn hãy kiểm tra kỹ nguồn gốc.

4. Cá ngừ

Chính quyền Tây Ban Nha gần đây đã khuyến nghị trẻ em dưới 10 tuổi và phụ nữ mang thai không tiêu thụ cá ngừ dưới mọi hình thức. Nguyên nhân là do cá ngừ chứa hàm lượng thủy ngân cao. Đây là một loại kim loại độc hại có thể gây ra các bệnh về thần kinh, tiêu hóa hoặc miễn dịch, theo Bright Side.
Tốt nhất nên hạn chế ăn nhiều cá ngừ, có thể thay thế bằng các loại cá khác.

5. Ngũ cốc ăn sáng

Tùy vào công thức được sử dụng, nhiều loại ngũ cốc ăn sáng bán trên thị trường có thể có hàm lượng đường cao. Nhiều loại được cho thêm trái cây sấy khô, làm tăng thêm hàm lượng đường.
Mặc dù ngũ cốc ăn sáng không có hại, nhưng liều lượng đường cao lại không tốt sức khỏe. Mật ong được sử dụng trong nhiều loại ngũ cốc thường là loại thương mại, thường chứa chất làm ngọt ẩn, hoặc thậm chí là xirô bắp, theo Bright Side.
Tốt nhất là nên tự làm bột ngũ cốc tại nhà không đường. Nếu mua, hãy kiểm tra kỹ các thành phần dinh dưỡng để tránh hàm lượng đường cao.

6. Dầu ô liu không phải loại “siêu nguyên chất”

Dầu ô liu có lẽ là một trong những loại dầu tốt nhất cho sức khỏe mà bạn có thể tiêu thụ.
Tuy nhiên, có một điều nhiều người không biết, đó là chỉ dầu ô liu “siêu nguyên chất” (có dòng chữ “Extra Virgin” trên nhãn), mới thực sự tốt cho sức khỏe.
Dầu ô liu nguyên chất thông thường (có dòng chữ “Pure Olive Oil” trên nhãn), có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn và có chứa hóa chất.
Vì vậy, bạn nên chọn kỹ loại dầu ô liu, nên hạn chế tiêu thụ dầu ô liu ở mức khoảng 3 muỗng mỗi ngày, theo Bright Side.

Những thực phẩm phải được nấu chín

Một số loại thực phẩm phổ biến mà chúng ta thường ăn thực sự cũng nguy hiểm, nếu không được nấu hoặc xử lý đúng cách.
• Hạt nhục đậu khấu, nếu tiêu thụ quá nhiều, có thể gây ảo giác.
• Dầu vỏ hạt điều có thể gây ra phản ứng dị ứng ngay lập tức giống như khoai tây mọc mầm.
• Khoai mỳ, có chứa xyanua, một chất độc chết người. Vì vậy, phải nấu chín mới có thể ăn được, theo Bright Side.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.