Mặc dù cung ứng điện nay đã ổn định hơn nhờ những cơn mưa lớn, song tại thời điểm khảo sát, doanh nghiệp đối diện tình trạng cắt điện luân phiên. Có khoảng 60% số người tham gia khảo sát cho biết đã bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt điện đối với hoạt động kinh doanh; 10% cho biết bị tác động nghiêm trọng...
Thiếu hụt điện khiến năng suất hoạt động và năng suất lao động giảm, sản xuất và dịch vụ bị gián đoạn. Chính phủ cần đảm bảo các giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề ổn định nguồn cung cấp điện vẫn là ưu tiên hàng đầu để duy trì hiệu quả kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế tổng thể.
"Chính phủ nên tập trung vào việc phát triển các kế hoạch dài hạn vì việc này có khả năng xảy ra theo chu kỳ", ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham lưu ý.
Thực tế, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc bị cắt điện luân phiên. Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang cho biết đã bị cắt điện nhiều giờ, liên tục trong tuần. Nguyên nhân là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm huy động do hạn hán.
Ngoài ra, trong báo cáo, doanh nghiệp châu Âu cũng nhận xét phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam tương đối chậm so với các nước trong khu vực. Khảo sát cho biết 53% doanh nghiệp đánh giá cơ sở hạ tầng hiện tại không tương xứng hoặc tụt hậu. Tuy vậy, các doanh nghiệp châu Âu lại nêu điểm sáng là Chính phủ Việt Nam đang tích cực thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề này, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm.
Bất chấp những thách thức trên, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới. Tuy nhiên, 40% doanh nghiệp bày tỏ không có kế hoạch tăng FDI, đánh dấu mức tăng 4% so với BCI trước đó. "Dù vậy, Việt Nam vẫn củng cố vị trí một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 doanh nghiệp, cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của đất nước", báo cáo nêu.
Nắng nóng, sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc tăng cao kỷ lục
Bên cạnh đó, các kế hoạch và thực tế về việc chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã giảm đi. 81% công ty cho biết chưa dịch chuyển bất kỳ hoạt động sản xuất nào. Trong số đó, chỉ có 3% doanh nghiệp đang xem xét việc dịch chuyển, và 2% đã chủ động lên kế hoạch cho việc dịch chuyển.
Liên quan đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài, EuroCham cũng nhấn mạnh những quan ngại của gần 40% số người tham gia khảo sát về việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu sắp tới. Trước những biến động khó khăn toàn cầu, nhìn chung trong quý 2, Chỉ số niềm tin của doanh nghiệp châu Âu với Việt Nam giảm nhẹ 4,5 điểm, đạt mức 43,5.
Do chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, Việt Nam đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn thế giới. Thế nên, sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các doanh nghiệp châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Bình luận (0)