Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa có báo cáo tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 và triển khai hoạt động năm 2025.
5 ca tử vong do bệnh sởi
Năm 2024, dịch bệnh sởi bùng phát tại TP.HCM với 4.368 ca mắc, 5 ca tử vong. TP.HCM ghi nhận bệnh sởi tại 476 trường học. Ổ dịch sởi tại trường học ngày càng gia tăng, có xu hướng giảm trong hai tuần gần đây.
Tính đến ngày 4.1.2025, tiến độ tiêm chủng cho trẻ 1 - 10 tuổi vượt 100% ở đa số quận, huyện. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng cho trẻ 6 đến dưới 9 tháng tuổi còn chậm.
Theo HCDC, việc quản lý đối tượng tiêm chủng không thể chỉ phụ thuộc vào hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia (NIIS) mà cần có sự cập nhật từ địa bàn. Gần 20% trẻ sống tại TP.HCM, nhưng địa chỉ khai báo không đúng thực tế nên các trạm y tế phường xã không theo dõi được tình trạng tiêm chủng.
Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, năm 2024 TP.HCM ghi nhận 16.342 ca, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2023 (19.125 ca). Trong đó, có 2 ca tử vong ở H.Hóc Môn và H.Bình Chánh. Khoảng 10 tuần cuối năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và giảm chậm so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với dịch bệnh tay chân miệng, TP.HCM ghi nhận 16.821 ca trong năm 2024, giảm 61,2% so với cùng kỳ năm 2023 (43.380 ca). Toàn TP.HCM không ghi nhận ca tử vong.
Năm 2024, TP.HCM cũng ghi nhận 56 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, không có ca tử vong. Số ca tích lũy từ năm 2023 đến nay là 164 ca (6 ca tử vong trong năm 2023).
Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm khác, TP.HCM ghi nhận 71 ca bệnh ho gà, cao hơn trung bình 5 năm gần đây, chưa ghi nhận ổ dịch và không có ca tử vong. Bệnh nhiễm não mô cầu ghi nhận 4 ca rải rác, trong đó có 1 ca tử vong.
Dự báo tình hình dịch bệnh trong năm 2025
HCDC nhận định dịch bệnh sởi và ho gà có xu hướng gia tăng. TP.HCM đã công bố dịch sởi và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh có khả năng kéo dài, tăng ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi và trên 10 tháng tuổi.
Bệnh sốt xuất huyết có khả năng tăng sớm trong năm 2025. HCDC dự báo bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện các ổ dịch lan rộng nếu phát hiện chậm trễ hoặc xử lý các yếu tố nguy cơ không triệt để.
Bệnh đậu mùa khỉ đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế công cộng với mức độ nguy cơ thấp hơn chủng mới. Ngoài ra, TP.HCM có nguy cơ xuất hiện bệnh dại, cúm gia cầm độc lực cao…
Trong năm 2025, HCDC cho biết ngành y tế TP.HCM tiếp tục giám sát chặt, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm. Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, TP.HCM chú trọng đảm bảo hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương.
Bình luận (0)