Ngày 9.1, BV Đà Nẵng cho biết cả 7 nạn nhân của vụ ngộ độc tập thể ốc biển đã được điều trị tích cực trong những ngày qua tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Đà Nẵng).
Điều trị tích cực cho các ngư dân bị ngộ độc ốc biển
Trước đó, vào chiều 7.1, cả 8 ngư dân quê Quảng Bình cùng đi trên tàu QBg 91151 TS, đang đánh bắt hải sản trên biển vùng đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thì bắt được nhiều ốc lạ có gai. Nhóm ngư dân chế biến ốc biển và cùng ăn với nhau. Sau khi ăn chừng 30 phút thì người đầu tiên trong 8 ngư dân bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, nôn mửa, tê tay chân, chóng mặt…
Sau chừng 1 giờ đồng hồ thì những triệu chứng này lan dần ra những người còn lại. Nhóm ngư dân biết mình ngộ độc ốc. Bằng một ít kinh nghiệm của người đi biển, họ hiểu rằng những người còn lại muốn sống sót thì phải vào được bệnh viện trong đất liền, có phương tiện hỗ trợ hô hấp. Vậy là họ bắn tín hiệu cầu cứu 1 tàu khác cách đó chừng 4 hải lý để được ứng cứu. “Lúc đó tàu chúng tôi đi vào được đến gần bờ nhưng cửa biển hẹp không thể vào được nên cần có tàu ra cứu hộ, đưa người vào bờ”, ngư dân Phạm Văn Minh (38 tuổi, trên tàu QBg 91151 TS) cho biết.
Khi tàu vào đến gần cửa biển Quảng Ngãi thì người phát dấu hiệu ngộ độc đầu tiên đã tử vong. Trong số 7 người còn lại, có 3 người diễn tiến nặng, bắt đầu cứng hàm, cứng cơ, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Sau khi được cấp cứu tại BV đa khoa Quảng Ngãi, những người bệnh nặng lần lượt được chuyển cấp cứu tại BV Đà Nẵng.
Bác sĩ Hà Sơn Bình, Phó Khoa Hồi sức tích cực Chống độc (BV Đà Nẵng), cho biết nhóm ngư dân được tiếp nhận trong tình trạng ngộ độc, nhiều người trong số họ suy hô hấp, thậm chí ngưng tuần hoàn.
Bệnh nhân nặng nhất là P.V.M, nhập BV Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn phải hỗ trợ thở máy, ngưng thở hoàn toàn. Ngay lập tức bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng thông khí, truyền dịch, thuốc vận mạch, điều trị suy tuần hoàn suốt 5 giờ đồng hồ liên tục.
Đáng nói, bệnh nhân M. lại là người ăn ít nhất, chỉ chan nước ốc ăn chứ không ăn ốc. “Có thể do cơ địa của bệnh nhân nhạy với độc tố nên cơ thể sốc phản vệ dữ dội hơn cả”, bác sĩ Bình cho hay.
|
Cảnh báo mất mạng vì kịch độc tetrodotoxin
Bác sĩ Hà Sơn Bình, người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết ngay khi tiếp nhận tình trạng nhóm ngư dân, các bác sĩ đã xác nhận ngộ độc thủy hải sản và khai thác diễn tiến bệnh. “Biểu hiện sốc phản vệ tình trạng dễ nhận biết khi cơ thể tiếp nhận chất độc, đặc biệt, độc tố xác định ở đây là kịch độc tetrodotoxin”, bác sĩ Bình nói.
Cũng theo bác sĩ Bình, ngộ độc từ các loại thủy hải sản lạ được cảnh báo rất nhiều nhưng người dân, đặc biệt là ngư dân vẫn rất chủ quan. Ở đây, ốc được các ngư dân bắt và chế biến ăn là một dạng ốc bùn gai sống theo con nước. “Ngư dân gốc ở Quảng Bình, Quảng Trị cho biết họ vẫn ăn ốc dạng này không sao, nhưng cũng loại ốc này ở phía Đông đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ăn vào là ngộ độc liền. Bệnh viện đã cấp cứu rất nhiều ca nguy kịch”, bác sĩ Bình thông tin.
Chất độc chính có trong loại ốc này là độc tetrodotoxin (thường gọi là TTX) có trong ốc biển, cá nóc, bạch tuộc đốm xanh, sa giông da nhám, ốc mặt trăng… Tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.000 lần so với cyanua.
Mặc dù tetrodotoxin được phát hiện ở ốc, cá nóc, bạch tuộc đốm xanh, sa giông da nhám… nhưng nó thực sự được sinh ra bởi vi trùng hoặc vi khuẩn cộng sinh nhất định như Pseudoalteromonas, Pseudomonas, và Vibrio cũng như các loài khác được tìm thấy ở các loài động vật, tùy vào điều kiện con nước. Điều này lý giải vì sao cùng loại ốc đó ở vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị ngư dân nói ăn được còn ở con nước quanh đảo Lý Sơn thì không.
|
Theo tài liệu về Hồi sức tích cực và Chống độc Việt Nam thì người trúng kịch độc tetrodotoxin sau 5 phút đến vài giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy chóng mặt, choáng váng, vã mồ hôi, khó thở, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm hoặc không được hỗ trợ đường thở dẫn đến liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.
Theo bác sĩ Bình, BV Đà Nẵng thường xuyên tiếp nhận, xử lý các ca ngộ độc cá nóc, ốc biển. Nếu chẩn đoán chính xác là ngộ độc tetrodotoxin để cấp cứu kịp thời và đúng phác đồ thì sẽ cứu kịp. “Kinh nghiệm cấp cứu ngộ độc tetrodotoxin từ thủy, hải sản là phải kiên trì theo dõi diễn tiến bệnh và đặc biệt là không được bỏ cuộc. Không vội nghĩ bệnh nhân đã hết cơ hội sống, mà phải liên tục hồi sức trong 24 giờ đồng hồ để chất độc được thải ra. Nếu chưa tổn thương não thì kiên trì điều trị để có hy vọng sống” bác sĩ Bình tư vấn.
Hiện tại, cả 7 nạn nhân được cấp cứu tại BV Đà Nẵng đều đã tiếp xúc được, ăn uống bình thường, huyết động ổn… kết luận tình trạng sốc phản vệ đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
7 ngư dân Quảng Bình được cấp cứu gồm: Phạm Anh Hùng, Phạm Văn Minh, Hoàng Dũng, Hoàng Văn Tài, Võ Văn Hải, Nguyễn Thanh Hải (cùng trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới), Trần Sơn (trú P.Hải Thành, thành phố Đồng Hới).
Phạm Anh
|
Bình luận (0)