Anh Nguyễn Hữu Thuận, 28 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP.HCM, quản lý một công ty chuyên về công nghệ, đã tạo ra một ứng dụng hữu ích cho cộng đồng với tính năng cho và nhận đồ cũ. Theo tiêu chí “ai thừa lên cho, ai khó cứ lấy”, ứng dụng tạo ra không gian mở cho những ai có nhu cầu chia sẻ đồ cũ, đồ đã qua sử dụng hay những thứ không còn cần thiết trong cuộc sống đến những người còn nhiều khó khăn. Những ai muốn tiết kiệm chi phí hoặc đơn giản muốn tái chế vật dụng cũ đều có thể lên nhận.
"Mình làm ứng dụng này là mong muốn đóng góp được một chút cho xã hội, cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người còn lo cơm áo gạo tiền trong cuộc sống. Nhờ ứng dụng này, nhiều người sẽ giảm tải được một lượng chi phí cho những đồ, những thứ vật dụng trong nhà mà họ không phải mua mới", anh Thuận nói.
|
Về cách sử dụng, người sáng lập chia sẻ: “Đây là một ứng dụng hoàn toàn miễn phí, khi bạn muốn cho một sản phẩm thì bạn chỉ cần chụp hình sản phẩm và đăng sản phẩm trên ứng dụng. Còn đối với người nhận thì họ cũng sẽ lên ứng dụng tìm đến những sản phẩm họ muốn được nhận hoặc cần, sau đó họ sẽ liên lạc với những người cho. Hai bên sẽ tự kết nối với nhau để lấy đồ”. Người dùng chỉ mất 30 giây để chụp ảnh món đồ cần cho tặng và nhập nội dung muốn chia sẻ.
Ứng dụng chia sẻ đồ cũ được anh và những cộng sự tạo ra trong khoảng 1 tháng qua, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến các nhân viên trong công ty dần ít việc. “Khi công ty chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, mình nghĩ ra ý tưởng này để mọi người cùng làm, vừa để tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng trong thời điểm khó khăn chung”, anh Thuận chia sẻ. Người viết đặt câu hỏi: “Ứng dụng không thu phí người dùng, vậy chi phí ở đâu để duy trì hoạt động?”, nhà sáng lập cho biết: “Ứng dụng không có kinh phí duy trì mà hầu hết đều dùng vốn tự có. Ví dụ như server hay nhân sự, mình đều có sẵn nên làm ra cũng không tốn nhiều kinh phí lắm”.
|
“Hiện tại ứng dụng mới bắt đầu được đưa vào sử dụng. Với những người trẻ thì các bạn sẽ sử dụng rất đơn giản trên điện thoại. Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi, chiếm một phần không nhỏ lượng người sử dụng ứng dụng, vì các cô chú có nhiều đồ gia đình muốn cho đi, nên mình có gắng thiết kế rõ ràng và dễ hiểu nhất”, 9X nói thêm.
Bà Lê Thị Hoài, 56 tuổi, Q. Bình Thạnh, là một trong những thành viên mới nhưng đầy tích cực của ứng dụng này. Bà Hoài được con trai chỉ cho cách sử dụng ứng dụng này. Nói về trải nghiệm khi sử dụng, bà Hoài cho biết: “Hồi đó chưa biết dùng nhưng có con trai chỉ vài lần thì mình cũng cảm thấy dễ thôi. Vì sử dụng ứng dụng này thì toàn là tiếng Việt nên cũng không có khó khăn gì. Khi cô cần cho một cái gì đấy thì cô cũng dễ đăng, dễ cho mọi người, dễ cho tất cả”.
|
Trong khi đó, chị Phan Lê Thương, 25 tuổi, Q. Gò Vấp, thích thú sử dụng ứng dụng này khi tủ đổ đã quá chật trội. Thương cho viết: “Là con gái nên mình cũng hay có thói quen mua sắm, nhiều khi mua về mà chỉ mặc có 1, 2 lần rồi cất kỹ ở trong tủ. Mình có từng đăng lên facebook cá nhân để cho bớt đi nhưng không được nhiều lắm, thứ nhất là facebook mình cũng ít bạn, bài viết cũng được tương tác nhiều; thứ hai là chia sẻ lên một số hội thì khá phiền”. Thương nói ứng dụng này hoàn toàn thực tế và phù hợp với nhu cầu của cô..
|
|
Ứng dụng hiện đã có trên CH play và sớm có mặt trên App Store trong vài ngày tới. Nói về kế hoạch tiếp theo, nhà sáng lập trẻ ,chia sẻ: “Mình sẽ bổ sung các địa điểm từ thiện hoặc các tổ chức xã hội SOS gần vị trí của người dùng để mọi người dễ dàng chia sẻ và làm từ thiện. Các thông tin này được tổng hợp từ nhiều nguồn hoặc các đơn vị từ xa cung cấp. Trước mắt dựa vào vị trí người dùng để xuất các tổ chức từ thiện gần đó. Nếu được, tương lai mình muốn nâng cấp ứng dụng lên thành mạng xã hội từ thiện để mọi người dễ dàng làm việc thiện, cùng nhau chia sẻ với cộng đồng mọi lúc mọi nơi”.
Bình luận (0)