Những giải chạy “ảo”
Ngày anh Lê Văn Dương (ngụ Q.10, TP.HCM) ấp ủ dự định khởi nghiệp các giải chạy “ảo”, nhiều người nghĩ chắc là chạy giả vờ, thế thì có ích gì? Nhưng, “ảo” chỉ là ứng dụng (app) trên thiết bị như điện thoại, đồng hồ thông minh, quản lý bước chạy của người tham gia.
“Thông thường, chúng ta thấy mọi giải chạy bộ truyền thống, hàng trăm hay hàng ngàn người sẽ tập trung tại một địa điểm, trong một giờ, cùng xuất phát rồi trao giải sau đó. Nhưng với giải mà tôi tổ chức, thông tin có trên web, người tham gia chọn cự ly phù hợp và đăng ký. Khi bạn chạy, kết quả sẽ được ghi nhận trên app và được đồng bộ lên web. Khi chạy đủ số ki lô mét đã đăng ký, chúng tôi sẽ gửi huy chương về tận nhà cho bạn. Như vậy, với các giải chạy thời công nghệ 4.0, bạn có thể tham gia vào một giải chạy bộ dù ở bất cứ nơi đâu, vào lúc nào, trong thời gian bao lâu, miễn là trong thời hạn cho phép, theo điều lệ tùy mỗi giải. Trong mùa Covid-19, nhiều giải chạy tập trung đông người đã bị hủy, nhưng với chạy “ảo” này, bạn không lo gì cả”, anh Dương giải thích.
Theo anh Dương, khi tham gia các giải chạy này, mỗi người không phải cạnh tranh với ai, không phân chia nhất, nhì, quan trọng nhất là chiến thắng chính mình. Mỗi tấm huy chương là niềm vinh dự với người mê chạy bộ, trên đó cho thấy sức khỏe, và sự tập luyện bền bỉ của mỗi người. “Nên sẽ chẳng ai tự bỏ tiền ra, rồi gian lận để có huy chương cả”, anh Dương nói.
Dương gọi mô hình khởi nghiệp của anh là “giấc mơ”, và bắt đầu với nó từ năm 2018. Tới nay, sau 2 năm, “giấc mơ” của Dương thu hút hơn 50.000 lượt người đăng ký chạy, gấp hàng chục ngàn lần ngày anh mới bắt đầu thử nghiệm. Dù là giải chạy “ảo”, nhưng những lợi ích về sức khỏe, lối sống tích cực, lành mạnh và những đóng góp cho cộng đồng lại là thật.
|
Dương chia sẻ, thông thường trên mỗi chiếc vé người chạy bỏ tiền mua, anh sẽ trích từ 10.000 tới 100.000 đồng để gây quỹ cho các dự án thiện nguyện. Tới nay, sau 2 năm, hơn 1,5 tỉ đồng được trao đi; trong đó, Dương ưu tiên các dự án liên quan giáo dục, vì trẻ em như xây trường học vùng cao, mổ tim, dạy bơi, chăm sóc bệnh nhi ung thư…, và sắp tới là giải chạy gây quỹ xây cầu.
Chạy để chiến thắng Ccovid-19
Dương bắt đầu chạy bộ từ năm 2017, sau khi giành nhiều thành tích với cầu lông hay tennis, lý do đơn giản là “tôi muốn chơi môn thể thao nào mà cả nhà cùng tham gia với nhau được”. Dương có mặt trong hầu hết các giải chạy bộ phong trào ở Việt Nam, nhiều giải ở nước ngoài, vợ và hai con trai (7 tuổi và 5 tuổi) của anh cũng không thua kém, họ vẫn đang sưu tập nhiều huy chương.
Với giải mà tôi tổ chức, thông tin có trên web, người tham gia chọn cự ly phù hợp và đăng ký. Khi bạn chạy, kết quả sẽ được ghi nhận trên app và được đồng bộ lên web. Khi chạy đủ số ki lô mét đã đăng ký, chúng tôi sẽ gửi huy chương về tận nhà cho bạnLê Văn Dương |
Cùng là người mê chạy, vợ Dương ủng hộ chồng khởi nghiệp. Không chỉ đặc biệt ở các giải “ảo”, cho phép người tham gia chạy ở bất cứ đâu, sản phẩm khởi nghiệp của Dương còn rất sáng tạo ở chính mỗi chiếc huy chương. Mỗi năm có khoảng 15 giải chạy, gắn với các sự kiện, ngày lễ lớn, và mỗi huy chương sẽ không bao giờ lặp lại nhau. Từ đầu năm 2020, khi toàn cầu cùng chống Covid-19, Dương mở giải Chạy để chiến thắng Covid-19, huy chương sẽ được trao tận tay mọi người khi Việt Nam công bố hết dịch.
Dương chia sẻ giấc mơ lớn với Dương là chạy bộ khắp Việt Nam, đi ra thế giới. “Tôi nhìn thấy tiềm năng của mô hình khởi nghiệp mà tôi đang theo đuổi. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người ta càng quan tâm sức khỏe hơn”, anh bộc bạch.
Ấp ủ của Dương trong năm nay là thành lập Hiệp hội Chạy bộ phong trào ở Việt Nam cũng như tổ chức thêm nhiều giải chạy bộ thu hút học sinh, sinh viên cùng tham gia. Giới trẻ, với Dương, luôn là những người truyền cảm hứng mãnh liệt cho cộng đồng về sự rèn luyện và ý chí.
Bình luận (0)