Ai cần bình ổn?

07/03/2023 04:12 GMT+7

Về bản chất, tiền trong Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thu từ người tiêu dùng để cơ quan quản lý giá sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường.

Hiểu đơn giản thì Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu là hình thức người dân nộp tiền trước để được BOG cho mình. Tức là người dùng ứng trước tiền, hay còn gọi là trích cho quỹ, rồi tại kỳ điều hành giá lần sau, nếu giá xăng dầu tăng mạnh, nhà quản lý lại lấy tiền đó trả lại cho người mua xăng dầu, hay gọi là chi sử dụng quỹ. Cũng có nghĩa là giá xăng tăng hay giảm không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường mà một phần do cơ quan quản lý có thẩm quyền với mục tiêu là BOG hàng hóa, duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt vào các thời điểm giá tăng quá mạnh, quỹ là công cụ giúp mức tăng giá trong nước không gây sốc cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, giá xăng dầu thế giới có nhiều thời điểm tăng sốc, quỹ được chi ồ ạt đến mức âm. Thế nên, khi giá giảm, người dân lại không mua được xăng giá thấp do phải trích quỹ để dành dùng sau. Hoặc với những đợt tăng dài và mạnh như năm 2022 thì phải nói thẳng không có quỹ nào có thể bù nổi. Cũng như trong thời gian tới, xăng dầu được dự báo vẫn diễn biến hết sức khó lường thì việc duy trì Quỹ BOG khó mang đến tác dụng "bình ổn".

Thế nên, nhiều ý kiến đề xuất đã đến lúc phải bỏ Quỹ BOG, trong đó có Bộ Tài chính. Vậy mà, Bộ Công thương không đồng ý vì cho rằng đây là công cụ linh hoạt duy nhất để nhà nước điều hành xu hướng tăng giảm giá của xăng dầu. Nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa với bỏ điều hành giá xăng dầu. Đứng ở góc độ quản lý, quan điểm này không sai.

Nhưng bỏ hay giữ, cần xem xét trên lợi ích của số đông. Đầu tiên là người tiêu dùng. Như nói trên, khi giá xăng dầu tăng, nhà điều hành trích quỹ thì giá xăng dầu trong nước không tăng hoặc không tăng mạnh so với thế giới, người tiêu dùng được hưởng lợi. Ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm, đáng lý ra người tiêu dùng được hưởng giá thấp nhưng lại phải trích quỹ, khiến giá trong nước không giảm sâu bằng giá thế giới, lúc này người tiêu dùng lại phải chịu thiệt.

Với doanh nghiệp, quỹ này gây phiền phức cho hoạt động của họ khi có nhiều thời điểm âm quỹ, không còn động lực để trích quỹ. Bản thân các công ty phân phối và Hiệp hội Xăng dầu VN cũng nhiều lần kiến nghị bỏ Quỹ BOG.

Như vậy có thể thấy, xét ở nhiều đối tượng liên quan thì bỏ Quỹ BOG là hợp lý. Quan trọng hơn, việc BOG xăng dầu đã được nhiều quốc gia trên thế giới chứng minh, giải pháp hiệu quả nhất là xây dựng kho dự trữ quốc gia. Nếu mạnh dạn cắt bỏ BOG và bắt tay vào xây dựng kho dự trữ quốc gia, cộng với việc VN đã chủ động được hơn 70% xăng dầu trong nước thì lo gì chuyện "bình ổn giá".

Bình ổn giá cả là điều tất cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đều cần, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thế nên, nếu Quỹ BOG thực sự có hiệu quả, chẳng ai lại đi đề xuất bỏ. Còn khi đa số muốn bỏ, cũng có nghĩa là tác dụng của mục tiêu bình ổn không còn, cần được xem xét một cách thấu đáo dựa trên quyền lợi của số đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.