Giọt nước mắt của người cựu binh

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
06/03/2023 04:14 GMT+7

Cuối cùng thì sau 56 năm, hôm qua (5.3), cựu binh Peter Mathews (77 tuổi) đã từ bang New Jersey (Mỹ) trở lại Việt Nam để trao trả cuốn nhật ký cho người thân của liệt sĩ Cao Văn Tuất (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hy sinh trong trận chiến dưới chân đồi 724 trong trận Đăk Tô Tây Nguyên vào tháng 11.1967.

Và ông Mathews đã khóc. Giọt nước mắt của người cựu binh già rơi xuống khi gặp người thân của liệt sĩ Cao Văn Tuất, có thể hình dung như một gạch nối chiến tranh-hòa bình và những trang nhật ký trong cuộc chiến với nét vẽ rất đẹp của người chiến sĩ năm xưa đã gửi trao lại một ước vọng lớn lao thể hiện trên từng trang giấy. Đó là ước vọng về một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, cũng như những gì ông Mathews tỏ bày sau hơn nửa thế kỷ quay lại mảnh đất này.

Theo dõi hành trình kể từ khi ông Peter Mathews bày tỏ ý định trao trả cuốn nhật ký lại cho gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất từ phía bên kia bán cầu, lúc thông tin từ báo North Jersey đăng tải lan tỏa đến Việt Nam, người viết cứ bần thần nghĩ: Với khoảng cách ấy và trong khoảng thời gian dài dằng dặc ấy, bao đêm ông Mathews đã nghĩ gì và ấp ủ những gì mỗi khi lần giở lại từng trang nhật ký? Thì đây, gạch nối chiến tranh-hòa bình ấy đã được ông nói khi vừa đặt chân đến Hà Tĩnh, quê hương chủ nhân quyển nhật ký: "Tôi tự nhủ rằng cuốn sổ không hề liên quan gì đến cuộc chiến" lúc vừa nhặt được cuốn sổ, và: "Trở lại Việt Nam, tôi thấy nơi đây thật hòa bình và đang phát triển thịnh vượng".

'Nhìn thấy kỷ vật cuốn nhật ký như nhìn thấy anh trai trở về'

Gạch nối của đau thương chiến tranh năm xưa và niềm tin hòa bình hạnh phúc ấy có lẽ đã thấm vào máu thịt bao thế hệ, để lấy đó làm biểu tượng trân quý và phấn đấu. Câu chuyện diễn ra trong chiến tranh của Peter Mathews với cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất khiến chúng ta liên tưởng đến câu chuyện về cuốn nhật ký của liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với nghĩa cử gìn giữ suốt 35 năm của cựu binh Frederic Whitehurst và sau đó trân trọng trao lại cho gia đình nữ liệt sĩ năm 2005. Hay bất ngờ và xúc động như câu chuyện về bác sĩ quân y Sam Axelrad, năm 1966 chỉ huy một đơn vị y tế của quân đội Mỹ biệt phái cho doanh trại Radcliff gần tiền đồn An Khê đã giữ lại đoạn xương cánh tay cho "người thương binh Việt Cộng" Nguyễn Quang Hùng và đem về nước suốt 47 năm, để rồi đến tháng 7.2013 đem qua VN trả lại cho người thương binh từng được ông phẫu thuật, với câu nói ngắn gọn chí tình: "Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trao lại một phần cánh tay cho ông Hùng, hoàn thành tâm nguyện của mình".

Những câu chuyện nhân ái như vậy vẫn sẽ được lưu giữ mãi trong lòng người, cảm nhận và thấu hiểu, bất kể dân tộc nào, quốc gia nào. Với Việt Nam, những câu chuyện hậu chiến tranh như trao trả hài cốt cho các gia đình người Mỹ, dự án hỗ trợ rà phá bom mìn hoặc sự ủng hộ, đồng tình của dư luận thế giới trước các vụ kiện chất độc da cam… sẽ luôn là những gạch nối hàn gắn vết thương, xoa dịu những nỗi khổ đau do chiến tranh gây ra.

Và cao hơn tất thảy, những câu chuyện ấy chẳng phải là một thông điệp vô cùng nhân văn về giá trị của hòa bình mà nhân loại luôn luôn khát khao gìn giữ hay sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.