Khu lăng mộ cổ của pharaoh Djoser mở cửa từ ngày 14.9. Công trình kiến trúc này phần lớn ở dưới lòng đất và có một mê cung các hành lang, được trang trí bằng gạch, chạm khắc chữ tượng hình. Trên nhiều bức tường có lót những viên đá màu ngọc lam tuyệt đẹp.
Trung tâm của lăng mộ có một cỗ quan tài lớn ốp đá granite từ Vương triều thứ ba của Ai Cập cổ đại. Djoser là vị pharaoh nổi tiếng nhất và được xem là người sáng lập Vương triều thứ ba. Tuy nhiên trên thực tế, pharaoh Djoser không được chôn cất ở lăng mộ này mà ở trong kim tự tháp Step gần đó. Bởi vì theo các chuyên gia, hầm chôn cất trong lăng mộ này quá nhỏ để chứa hài cốt người trưởng thành.
Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật tối cao (SCA) Mostafa Waziri cho biết Lăng mộ phía Nam xây dựng từ năm 2667 trước Công nguyên đến năm 2648 trước Công nguyên, được cho là xây dựng mang tính tượng trưng, hoặc có thể là để lưu giữ các cơ quan nội tạng của Djoser.
|
Bộ Cổ vật và Du lịch Ai Cập cho biết việc mở cửa khu lăng mộ pharaoh Djoser trong tuần này đánh dấu hoàn tất công tác trùng tu bắt đầu từ năm 2006. Việc trùng tu lăng mộ cổ của pharaoh Ai Cập bao gồm gia cố các hành lang ngầm, tân trang các bức chạm khắc và tường lát gạch cũng như lắp đặt hệ thống chiếu sáng.
|
|
Ngoài lăng mộ cổ của pharaoh Djoser, cao nguyên Saqqara có ít nhất 11 kim tự tháp, bao gồm kim tự tháp Step, cũng như hàng trăm ngôi mộ của các quan chức cổ đại Ai Cập và các địa điểm khác trải dài từ Vương triều thứ nhất (2920 -2770 trước Công nguyên) đến thời kỳ Coptic (395-642). Địa điểm khảo cổ Saqqara là một phần của thành phố cổ Memphis của Ai Cập - nơi bao gồm các kim tự tháp Giza nổi tiếng, cũng như các kim tự tháp nhỏ hơn ở Abu Sir, Dahshur và Abu Ruwaysh. Tàn tích ở Memphis được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1970. Gần đây, Ai Cập mở cửa cho công chúng một loạt các phát hiện khảo cổ trong năm qua nhằm nỗ lực hồi sinh ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau cuộc nổi dậy năm 2011. Du lịch Ai Cập cũng bị giáng một đòn mạnh từ đại dịch Covid-19.
Bình luận (0)