Ngày xưa tôi cũng học ở một trường phổ thông chuyên mà thầy hiệu trưởng vô cùng nghiêm khắc. Nếu học sinh không ngủ trưa, thầy bắt phạt đi quét sân trường cả buổi trưa đó. Nếu trống tập trung mà học sinh chạy ra muộn thì khi trống dừng, ai đang đi đến đâu phải dừng nguyên chỗ đó... Hoặc nói tục, chửi bậy hay không trung thực trong học tập, là những lỗi bị phạt rất nặng, nhưng tất cả những kỷ luật của thầy là vì học trò và thầy luôn lắng nghe tâm tư của học sinh.
Tôi còn nhớ như in một kỷ niệm năm ấy, tôi được chọn vào danh sách trường cho đi tham quan Thủ đô Hà Nội (từ nhà quê được đi tham quan Thủ đô là sướng lắm!). Sau, vì trường không đủ điều kiện về vật chất, lại chọn lại một lần nữa, thế là tôi và một số bạn khác phải ở nhà. Đang háo hức thì tôi thất vọng, nên đã gửi thư cho thầy bằng một bài thơ ngắn nói lên cảm xúc của mình. Ngay lập tức thầy đồng ý cho tôi được đi và còn biểu dương đọc bài thơ của tôi cho học sinh toàn trường nghe, và đó cũng là trả lời thắc mắc cho những người ở lại...
Nhớ lần gặp thầy đi với mấy người công nhân trong sân trường, học sinh lễ phép chào thầy, lúc sau cả nhóm bị triệu tập lên phòng giám hiệu. Thầy hỏi có biết lý do tại sao không? Cả nhóm ngơ ngác không hiểu gì. Thầy giải thích: do các em chỉ chào thầy mà không chào khách của thầy, lần sau phải chào khách của thầy trước rồi mới chào thầy. Ôi, bài giảng đạo đức “trực quan sinh động” nhất mà tôi vẫn nhớ đến bây giờ, để ứng xử trong cuộc sống, để răn dạy con cái.
tin liên quan
Đừng bắt học sinh tuân theo kỷ luật mà chính mình cũng không làm đượcMới đây, tôi có đọc tâm thư của một phụ huynh khi con phải chịu nhiều áp lực từ môi trường giáo dục của một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội. Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác cảm thấy vô cùng “bức bối”.
Đó chỉ là một vài ví dụ trong ngàn điều mà thầy đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thế hệ chúng tôi. Các thầy cô và học sinh trong trường ai cũng ngưỡng mộ và làm theo tấm gương giáo dục nghiêm khắc nhưng rất tình người của thầy. Nhờ thế mà học sinh của thầy ai cũng trưởng thành, nên người. Chúng tôi luôn kính trọng và yêu quý thầy như người cha thứ hai của mình. Bây giờ thầy đã đi xa, nhưng sau mấy chục năm rồi, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi lại nhớ đến thầy, lại nhớ đến kỷ niệm những lần bị thầy phạt mà xúc động khôn nguôi.
Nhân chuyện một vị phụ huynh lên mạng “tố” một trường THPT ở Hà Nội, có lối giáo dục “hà khắc’’, cộng đồng mạng bùng lên tranh luận và có người ủng hộ, có người phản đối kỷ luật thép của trường này. Tôi cho rằng, dù kỷ luật gì thì kỷ luật nhưng khó có thể chấp nhận được cách mà vị đại diện trường này trả lời (qua thông tin trên báo chí), rằng: “Với vị phụ huynh đó, (người tố nhà trường-NV) nếu không đưa con ra thì tôi cũng cho đuổi ra trường khác”, và cách trả lời của giáo viên trường này với phụ huynh là: "Tôi cũng có quyền từ chối dạy học sinh nào mà tôi không thích?".
Thiết nghĩ môi trường giáo dục là để dạy dỗ học sinh thành người, kể cả là những học sinh hư, chứ không thể nếu không “hài lòng” với học sinh hay phụ huynh mà nhà trường lại áp dụng biện pháp đuổi học (và cho đó là thượng sách?) thì kiểu giáo dục như thế chỉ có thể gọi là bất lực, chứ không thể coi đó là “kỷ luật thép”.
Ai cho thầy cô cái quyền nếu không thích học trò thì... đuổi?
Bình luận (0)