Ai chủ mưu vụ MobiFone mua cổ phần AVG?

22/12/2019 08:00 GMT+7

Bị cáo Trương Minh Tuấn thừa nhận vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG sai ở tất cả các khâu, ở tất cả các thời điểm, sai từ trên xuống dưới đối với 3 vấn đề quan trọng: giá cả, hiệu quả và trình tự, thủ tục ...

Trước tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn thừa nhận trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG sai ở tất cả các khâu, ở tất cả các thời điểm, sai từ trên xuống dưới đối với 3 vấn đề quan trọng: giá cả, hiệu quả và trình tự, thủ tục. Đáng chú ý, hầu hết các bị cáo đều cho rằng bị sức ép để thực hiện dự án, vậy ai ép?

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Đây là biến cố bi thảm nhất cuộc đời tôi" - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Ngày 21.12, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử 14 bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG với phần tranh luận của các luật sư và tự bào chữa của các bị cáo giữ vai trò quan trọng trong vụ án.

"Sai ở tất cả các khâu"

Mở đầu phần tự bào chữa trước tòa chiều 21.12, bị cáo Trương Minh Tuấn gửi lời xin lỗi đến người dân, đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành TT-TT vì những vi phạm mà mình gây ra. “Trong cả thời gian đang làm việc, tôi luôn luôn nghĩ rằng mình phải phấn đấu làm cho tốt trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Nhưng không ngờ, với sự vi phạm của mình, tôi có ngày hôm nay phải đứng trước phiên tòa này nói những lời tự bào chữa cho mình. Đây là những lời cay đắng nhất”, bị cáo Tuấn nói, đồng thời cho biết hoàn toàn nhất trí với 2 tội danh cáo trạng và luận tội của Viện KSND thể hiện trước đó.
Bị cáo Trương Minh Tuấn nhìn nhận việc ký Quyết định 236, dẫn đến MobiFone căn cứ vào đó để ký hợp đồng mua cổ phần của AVG gây thiệt hại lớn cho nhà nước là sai phạm lớn nhất của mình. Bản thân bị cáo đã tìm nhiều cách với trách nhiệm người đứng đầu Bộ TT-TT khi đó, cùng MobiFone, AVG khắc phục hậu quả.
“Qua xét hỏi, chúng tôi cũng nhận thức rõ hơn tất cả góc khuất của vụ án. Trước đây, kể cả khi tôi trên cương vị bộ trưởng cũng không biết được các góc khuất ấy. Trong vụ án này, sai ở tất cả các khâu, ở tất cả các thời điểm, sai từ trên sai xuống, sai trong cả 3 vấn đề quan trọng: giá cả; hiệu quả; trình tự, thủ tục”, ông Tuấn tự nhận xét. Đồng thời cho biết bản thân trách nhiệm người đứng đầu Bộ TT-TT khi đó, cùng MobiFone, AVG khắc phục hậu quả, thu hồi tối đa thiệt hại cho nhà nước. Từ đó, ông đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bản thân và các bị cáo trong vụ án.
Bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn, luật sư Vũ Quy cho rằng thân chủ của mình ký tổng cộng 5 văn bản trong số gần 60 văn bản liên quan đến dự án này, đều là các phần việc “ít quan trọng, không mang tính quyết định”, “đều là việc riêng lẻ rời rạc, cắt khúc của dự án”. “Mọi công việc liên quan đến dự án thì nhất cử, nhất động (của bị cáo Tuấn) đều làm theo chỉ đạo bằng bút phê hoặc được sự đồng ý của cấp trên”, luật sư Quy nói, đồng thời nhấn mạnh: “Bị cáo Tuấn ký Quyết định 236 và một số văn bản khác có liên quan đến dự án luôn ở trong hoàn cảnh bị động, bắt buộc phải thực hiện”.
Đáng chú ý, luật sư Vũ Quy cho rằng, vụ án này có tình tiết quan trọng là đưa giao dịch MobiFone mua AVG vào danh mục “mật” cũng không liên quan nhiều đến trách nhiệm bị cáo Tuấn. Luật sư dẫn lời khai của bị cáo Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT) trong hồ sơ vụ án:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, tôi đã có phiếu trình ngày 5.3.2015 kèm theo dự thảo công văn gửi Bộ Công an với nội dung đưa giao dịch này vào danh mục mật của nhà nước. Cùng ngày, Bộ trưởng có bút phê “đồng ý với đề xuất này, chuyển đồng chí Tuấn ký công văn”.
Căn cứ bút phê của Bộ trưởng, bị cáo Trương Minh Tuấn đã ký Công văn số 44 ngày 5.3.2015 gửi Bộ Công an. “Như vậy, việc xác định và đề nghị đưa giao dịch mua bán cổ phần giữa MobiFone và AVG vào danh mục mật của nhà nước không phải do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn tham mưu, chỉ đạo hoặc tự mình quyết định ký văn bản gửi Bộ Công an để thống nhất, mà bị cáo thực hiện hoàn toàn thụ động và theo sự chỉ đạo của cấp trên”, luật sư Quy nêu quan điểm.

Mua cổ phần hay dịch vụ truyền hình?

Đến lượt mình, bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone, cũng bày tỏ nhất trí với tội danh được cáo trạng nêu, nhưng cho rằng về hình phạt bị đề nghị (23 - 25 năm tù) là quá nghiêm khắc đối với bản thân bị cáo. “Bản thân bị cáo, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng thành viên, người đứng đầu, đã không đủ khả năng dẫn dắt (MobiFone) vượt qua các sức ép, quyết định của dự án, để lúc này, các đồng nghiệp, cấp dưới phải đứng trước tòa. Trách nhiệm này thuộc về tôi”, ông Trà nói.

Bị cáo Lê Nam Trà nghẹn ngào: 'Tôi đã không đủ bản lĩnh vượt qua sức ép' - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trà cũng đưa ra nhiều lập luận để chứng minh quá trình thực hiện dự án, bị cáo Trà và các cá nhân tại MobiFone có nhiều băn khoăn về tính pháp lý, nhưng rồi vẫn thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Luật sư Phan Trung Hoài dẫn văn bản chứng minh việc MobiFone đề xuất mua lại một kênh truyền hình là chiến lược độc lập, có trước khi AVG có nhu cầu bán cổ phần. Chiến lược này được những người tiền nhiệm của ông Lê Nam Trà thống nhất từ 2014. Quá trình thực hiện, MobiFone và Bộ TT-TT đề xuất là dự án đầu tư dịch vụ truyền hình nhưng Công văn 2678 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là chấp thuận chủ trương mua 95% cổ phần của AVG.
“Bản chất là mua cổ phần hay đầu tư dịch vụ truyền hình. Nhận thức và sự khác biệt của Bộ TT-TT và truyền đạt ý kiến của Văn phòng Chính phủ đã khác nhau về tên gọi dự án. Nếu mua cổ phần có thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm định giá hay không?”, luật sư Hoài đặt vấn đề và dẫn lại lời khai ông Phạm Nhật Vũ trong bút lục thể hiện cổ đông AVG bán cổ phần cho MobiFone là bán quyền sở hữu cổ phần. Trong khi đó, sau khi nhận Công văn 2678, Văn phòng Chính phủ phải tổ chức họp lại bởi Bộ TT-TT có thắc mắc là trong Công văn 2678 tên dự án khác. Tại cuộc họp này đã giải thích Công văn 2678 là chủ trương mua cổ phần và đồng ý về mặt nguyên tắc, chứ chưa phải một quyết định đầu tư theo quy định. Từ đó, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, trong dự án này đã có sự lúng túng về áp dụng pháp luật liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cũng như các trình tự thủ tục, dẫn đến cách hiểu của các bộ, ngành chức năng cũng như Bộ TT-TT và MobiFone có khác nhau.
Các luật sư cũng đề cập bị cáo Lê Nam Trà đã báo cáo trung thực về thực trạng tài chính và đề cập đến tình trạng thua lỗ của AVG, chỉ ra những thách thức và khó khăn trong quá trình triển khai dự án, là cơ sở để Bộ TT-TT gửi văn bản báo cáo lên Chính phủ. Bộ TT-TT cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan như KH-ĐT, Tài chính và được hướng dẫn thực hiện. Dẫn lại các lời khai trong hồ sơ, các luật sư cho rằng, bị cáo Lê Nam Trà bị động, phải ký thay hợp đồng chuyển nhượng dù quyết nghị của Hội đồng thành viên giao Tổng giám đốc Cao Duy Hải làm việc này. Tại cuộc tổng kết cuối năm, khi ông Hải từ chối ký hợp đồng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã yêu cầu bị cáo Trà ký.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone, luật sư Bùi Đình Ứng cũng cho rằng, do băn khoăn về tính pháp lý của dự án nên bị cáo Hải đã tìm nhiều cách cản trở như không chịu ký vào hợp đồng dù được yêu cầu. “Bị cáo Hải nhiều lần có ý kiến với Son, Trà về việc dự án không khả thi nhưng không được chấp nhận”, luật sư Ứng nói.

Cầm đầu hay đứng đầu?

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, luật sư Nguyễn Châu Hoan nêu ra nhiều biện giải cho rằng về trình tự, thủ tục trình duyệt dự án, Bộ TT-TT đã làm đúng quy định của pháp luật. Bị cáo Nguyễn Bắc Son là người đứng đầu Bộ TT-TT đã làm đúng trách nhiệm của mình. Dự án này sau khi nhận được báo cáo kèm hồ sơ dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính xem xét có ý kiến đề xuất. Các bộ này đều thống nhất đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ có Công văn 2678 thông báo ý kiến của Thủ tướng chấp thuận chủ trương MobiFone mua cổ phần của AVG và giao Bộ TT-TT thực hiện dự án. Từ đó, luật sư Hoan nhìn nhận, cáo trạng và phần luận tội cho rằng dự án này chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã phê duyệt là vi phạm điều 31 luật 69 (luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp) là không chính xác.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong giây phút bị đề nghị án tử hình - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Cùng bào chữa cho bị cáo Son, luật sư Phạm Công Hùng đề nghị HĐXX xem xét vai trò đầu vụ mà cáo trạng quy buộc. “Nói ông Son sai ông ấy không cãi, tôi cũng không cãi nhưng nói là đầu vụ thì tôi cãi đến cùng”, luật sư tuyên bố. Theo luật sư, trong quá trình điều tra, bị cáo Son đã có lẫn lộn về vai trò người cầm đầu và đứng đầu, và được thể hiện trong lời khai. Sau đó, bản thân ông Son và luật sư đã có văn bản kiến nghị lại nội dung này. “Tôi kính mong HĐXX xem xét những lời trình bày hết sức tâm huyết của tôi để xác định rằng bị cáo Son không phải là đầu vụ. Mà tôi nghĩ vụ này không ai là đầu vụ đâu. Công văn 2678 ở trên đưa xuống, cứ thế mà làm thôi. Có được bàn bạc gì đâu”, luật sư Hùng nói.

Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son sẽ nộp đủ toàn bộ tiền hối lộ

Ông Nguyễn Bắc Son từng xin gặp gia đình để khắc phục hậu quả nhận hối lộ 3 triệu USD - Thực hiện: Thái Sơn - Anh Vũ

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son sáng 21.12, luật sư Phạm Công Hùng khẳng định “99% là sẽ nộp được đủ số tiền (khắc phục hậu quả) để trình HĐXX phiếu nộp tiền vào tuần tới, làm cơ sở để HĐXX xem xét công và tội”.
Theo luật sư Hùng, sau phần luận tội của Viện KSND, gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã chuẩn bị khoản tiền mặt 12,5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả (3 triệu USD đã nhận, tương đương 66 tỉ đồng), số còn lại sẽ tìm cách thu xếp, trong đó có tính toán đến việc bù trừ căn nhà ở phố Lý Nam Đế đang bị kê biên. 
 

Bị cáo Trương Minh Tuấn: Nhận hối lộ là nỗi nhục

Ảnh: Sơn Hân

Trong phần tranh luận, hầu hết các bị cáo và luật sư không đề nghị tranh luận nhiều về hành vi nhận hối lộ, bởi các bị cáo trong vụ án đều thừa nhận, mà chỉ nêu các tình tiết giảm nhẹ, việc khắc phục hậu quả để được hưởng khoan hồng. Luật sư Phan Trung Hoài nêu tình tiết bị cáo Lê Nam Trà đã tự thú, khai nhận hối lộ trước Phạm Nhật Vũ 7 tháng 12 ngày, đây cũng là bước ngoặt trong giai đoạn đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan điều tra làm rõ hành vi đưa - nhận hối lộ.
Dù mức đề nghị cho bị cáo Lê Nam Trà đã dưới khung, nhưng các luật sư bào chữa cho bị cáo này vẫn đề nghị HĐXX xem xét thêm bởi ông Trà đang trong “hoàn cảnh bi đát”: vợ vừa phải mổ ung thư lần hai, bố già yếu, nhà sập phải đi ở nhờ…
Trước tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn (ảnh) nhìn nhận việc bị truy tố hành vi nhận hối lộ “là nỗi nhục của chúng tôi” và dù nhận với mục đích nào, hoàn cảnh nào, thời điểm nào cũng đều là phạm tội. “Phiên tòa này rồi sẽ kết thúc, nhưng có những phiên tòa không bao giờ kết thúc là tòa án lương tâm sẽ bám theo chúng tôi mãi mãi cho đến khi kết thúc cuộc đời của chúng tôi. Đó là điều đau khổ nhất”, bị cáo Trương Minh Tuấn nói.

Trương Minh Tuấn khai về chuyện “ký liều” và số tiền hối lộ 200.000 USD - Thực hiện: Thái Sơn - Anh Vũ

Mặc dù vậy, bị cáo Trương Minh Tuấn cũng đề nghị HĐXX giảm án cho bị cáo và những bị cáo khác trong vụ án bởi vụ án này là hy hữu, khi toàn bộ thiệt hại vật chất đã được khắc phục, trong đó có công lao của bị cáo, của MobiFone và bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Đáng chú ý, luật sư Vũ Xuân Nam khi bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn cho rằng dù thân chủ của ông và các bị cáo khác có nỗ lực bao nhiêu trong việc hủy hợp đồng, thì cũng không bằng sự chủ động khắc phục của bị cáo Phạm Nhật Vũ và gia đình. "Cá nhân tôi cảm ơn ông Vũ vì nếu ông Vũ và gia đình không tự nguyện và cố gắng trả lại tiền, thì ngồi ở đây không phải chỉ có từng này người, và mức án cũng không thể như Viện kiểm sát đề xuất, và Viện kiểm sát cũng ghi nhận hết rồi, và tôi nghĩ rằng những người ở đây cũng phải ghi nhận việc này", luật sư nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.