Nằm ngay nội thành, Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè với khuôn viên rộng 14.000 m2 gồm 15 tòa biệt thự, nhiều mảng xanh thoáng mát. Mỗi tòa biệt thự gồm 10 phòng và đều có nhà vệ sinh riêng, mỗi cụ một phòng, tự do sinh hoạt.
Tại đây đang nuôi dưỡng các cụ già theo 2 diện: một là diện người chính sách có công, chi phí nuôi do ngân sách nhà nước đảm bảo và hai là diện an dưỡng viên với mức phí 3 triệu đồng/tháng - bằng khoảng 1/3 mức phí trung tâm dưỡng lão tư nhân.
"Thiên đường hạ giới"
Vào Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè từ tháng 5.2017 theo diện an dưỡng viên, cụ Đào Thị Hồng Liên (87 tuổi) cười hà hà nhận xét: "Đây là thiên đường hạ giới".
Trước khi vào trung tâm dưỡng lão, bà Liên ở cùng con cháu trong một căn nhà mặt đất thuê tại TP.Thủ Đức. Không gian sống chật chội, bí bách và cảm giác ở nhà một mình, con cháu đi làm hết khiến bà thấy cô đơn tuổi già.
Bà chủ động đề nghị con cháu cho vào viện dưỡng lão. Cả nhà ngỡ ngàng, nhưng nghe bà nói lý do thì mọi người đều đồng ý. "Tôi vào đây là do ngày trước lương hưu của tôi xấp xỉ tiền chi phí. Mỗi tháng, con cháu bù thêm vài trăm ngàn là đủ. Mới đây, lương hưu tăng thì tôi tự lo được. Con cháu thỉnh thoảng vào chơi, mua cái bánh giò, trái cây làm quà cho mẹ, vậy là vui rồi", cụ bà U.90 kể.
Thăm dò ý kiến
Khi về già bạn sẽ vào viện dưỡng lão?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Mỗi ngày, bà Liên đều ra sân đi bộ trong khuôn viên và tập thể dục với các máy tập được bố trí sẵn. Với cụ bà, không gian rộng lớn, nhiều cây xanh thoáng mát, có máy tập thể dục, bạn già ngang tuổi trò chuyện… vậy là đủ.
Thỉnh thoảng, bà cũng về nhà thăm con cháu, nhưng được vài ngày rồi cũng trở lại trung tâm vì mọi sinh hoạt đã đi vào nếp. Bà cụ nói: "Ở đây như biệt thự, vui vẻ, an yên an lành. Về nhà thì không có đồ tập, không có khu cây xanh để đi dạo vòng vòng".
Cây xanh do chính các cụ chăm sóc, phòng ốc có người dọn dẹp mỗi ngày
Vũ Phượng
Khoảng 3 giờ chiều, phía trước các biệt thự cũng đã xuất hiện vài cụ già xách nước tưới cây, tưới hoa. "Toàn là cây bà trồng đó, tưới chăm y như vườn nhà cho đẹp mắt, lại có việc làm", một cụ bà U.80 vừa nói vừa làm.
Khi ánh chiều tà vừa buông, các cụ cũng xuống khu vực sân công viên đông đúc hơn. Ngồi ghế đá, đôi ba câu chuyện về tình hình thời sự, về con cháu được kể nhau nghe. Những chuyện kể cứ vậy ngày qua ngày nối tiếp nhau trong không gian thanh bình giữa lòng đô thị.
Bà V.T.H.Y (60 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) gửi mẹ già 85 tuổi tại một viện dưỡng lão tư nhân tại Q.Gò Vấp cho biết, từ năm 80 tuổi, cụ bà bị lẫn, thường xuyên phải có người túc trực ở bên. Vài năm trở lại đây, bà Y. phải chăm thêm cháu nhỏ nên không quán xuyến hết mọi việc.
"Có lần tôi không để ý, cụ bà mở cổng đi ra ngoài, may mắn hàng xóm nhìn thấy nên đưa bà về lại. Sau khi con cháu bàn bạc, tôi đồng ý gửi bà vào viện dưỡng lão. Ban đầu, tôi còn phân vân vì không biết ở đó chăm sóc bà thế nào, nhưng sau nhiều lần đến, thấy các cụ có người chăm sóc túc trực, không gian rộng rãi, có thêm nhiều người bằng tuổi bầu bạn nên yên tâm. Mỗi tuần 1 - 2 lần tôi và các con cháu vẫn đến thăm bà", bà Y. chia sẻ.
Tương tự, vợ chồng ông H.A (ngụ Q.Gò Vấp) hiện làm kinh doanh từng thuê giúp việc về nhà để chăm sóc cha già 73 tuổi. Được một thời gian, thấy cha trầm tính hơn, chỉ quanh quẩn trong không gian chật chội của căn nhà mặt phố, vợ chồng ông chia sẻ với cha về ý định đưa cha đến viện dưỡng lão.
Ông H.A nói: "Cha tôi không đồng ý, nhưng khi tôi cho cha xem hình ảnh về cuộc sống trong viện dưỡng lão thế nào. Cha nói sẽ đến ở thử, nếu không hợp thì gọi vợ chồng tôi đến đón về. Tôi gọi đến viện dưỡng lão nhà nước và tìm hiểu thì biết chi phí hơn 3 triệu, rẻ hơn thuê giúp việc mà không gian sống rất nhiều cây xanh. Ông hài lòng và nói ở đây rộng rãi, thoải mái, có bạn già, thèm ăn gì gọi tôi gửi vào, nhớ nhà thì con cháu đến đón ông về chơi".
Thăm dò ý kiến
Bạn có sẵn sàng đưa cha mẹ khi về già vào viện dưỡng lão?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Chăm sóc ra sao?
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, điều kiện người cao tuổi được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội công lập (không thu phí) gồm: người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo; không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; không có điều kiện sống ở cộng đồng và người cao tuổi thuộc diện người có công với cách mạng.
Ông Huỳnh Khắc Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè cho biết, trung tâm đang chăm sóc 42 cụ theo diện không thu phí là: mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng, thân nhân liệt sĩ mất khả năng lao động, thương bệnh binh mất khả năng lao động, người tham gia cách mạng trước năm 1975 và những người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày.
Các cụ theo diện này sẽ được trung tâm chăm lo đến khi cuối đời. Với các cụ bị liệt, bị lãng không tự chăm sóc được sinh hoạt cá nhân thì được sắp xếp ở khu y tế, có người phục vụ, chăm sóc 24/24.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng đang chăm sóc 67 cụ theo diện có thu phí 3 triệu đồng/tháng. Đây là các cụ từ 60 tuổi trở lên, không thuộc diện chính sách, gia đình có khả năng đóng phí và tự sinh hoạt cá nhân.
Với mức phí 3 triệu đồng/tháng, các cụ được bố trí ở phòng riêng, có nhà vệ sinh riêng, bao gồm toàn bộ chi phí sinh hoạt, dọn dẹp và thuốc thông thường. Khi các cụ bệnh nặng, trung tâm sẽ thông báo cho gia đình đưa các cụ đi khám, điều trị.
Theo Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, đây là mức phí được đưa ra khoảng 10 năm trước - từ khi trung tâm bắt đầu đón các cụ vào ở theo diện có thu phí. Dự kiến thời gian tới sau khi sửa sang, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mức phí này có thể được điều chỉnh.
Cuộc sống an yên trong không gian xanh mát
Vũ Phượng
Các cụ còn minh mẫn có thể báo bảo vệ và đi ra ngoài khi có nhu cầu, riêng các cụ ở theo diện có thu phí thì có thỏa thuận trước của gia đình về tình huống có cho cụ ra ngoài hay không. Vì người già thường có bệnh nền như: tiểu đường, tim mạch, huyết áp nên mỗi sáng đều được kiểm tra huyết áp để kịp thời phát hiện bất thường.
"Các cụ có thể chọn ăn ở phòng hay tại bếp ăn với thực đơn thay đổi mỗi ngày, riêng các cụ bị bệnh phải kiêng khem thì ăn theo chế độ ăn riêng. Bên cạnh đó, các cụ cũng thường có con cháu mang đồ ăn đến, thỉnh thoảng các cụ đặt đồ online và ra nhận y như cuộc sống tại nhà", ông Hiếu chia sẻ.
Hiện Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè có thể chăm sóc tối đa 150 cụ cùng lúc, tương đương với 150 phòng ở 10 khu nhà ở. Tính đến tháng 9.2023, trung tâm đang chăm sóc 109 cụ ở cả diện có thu phí và không thu phí. Như vậy, nơi đây còn có thể tiếp nhận thêm 41 cụ.
(còn tiếp)
Bình luận (0)