Ai là người châu Âu đầu tiên được ghi nhận đặt chân đến Côn Đảo?

Nam Hoa
Nam Hoa
13/08/2021 11:00 GMT+7

Côn Đảo - cái tên rất quen thuộc với nhiều người - thực ra là cách gọi ngắn gọn của một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, mà lớn nhất là đảo Côn Sơn.

Các nghiên cứu khảo cố chỉ ra rằng con người đã có mặt trên Côn Đảo từ rất sớm. Có lẽ những người Mã Lai là những người đầu tiên đã đến đây bằng đường biển, bởi cái tên quần đảo ngày xưa là Pulao Kundur, mà sau này người châu Âu phiên âm thành Poulo Condor. Pulao trong tiếng Mã Lai là cù lao; Pulao Kundur có nghĩa là cù lao trái bí hay nôm na là đảo bầu, đảo bí. Có thể vì quần đảo này cách xa bán đảo Mã Lai quá và đất đai cũng không quá rộng lớn, màu mỡ, nên người Mã Lai mặc dù đã đến, nhưng không ở lại sinh cơ lập nghiệp.
Sau người Mã Lai, là những người Trung Hoa đặt chân lên quần đảo này, sách Côn Lôn lược sử (Trần Văn Quế, Thanh Hương tùng thơ xuất bản, 1961) viết rằng, đã từng có một thời gian, hòn đảo chính của quần đảo là sào huyệt của bọn cướp biển người Trung Hoa - mà chủ yếu dân đảo Hải Nam. Chính họ đặt cái tên Côn Lôn cho đảo lớn, và quần đảo cũng mang tên quần đảo Côn Lôn vì thế.

Đường Bến Đầm, gần Mũi Cá Mập ở Côn Đảo

ẢNH: NAM HOA

Sau người Trung Hoa, đến lượt người Cao Miên chiếm hữu quần đảo này, khi nó thuộc về nước Thủy Chân Lạp, rồi khi các chúa Nguyễn làm chủ Nam bộ thì người Việt bắt đầu chiếm lĩnh và làm chủ quần đảo.
Thời Việt Nam Cộng hòa, năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã công nhận Côn Sơn là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đến năm 1965, tỉnh Côn Sơn được đổi thành Cơ sở hành chính Côn Sơn. Năm 1974, cơ sở hành chính Côn Sơn lại được đổi thành thị xã Phú Hải trực thuộc tỉnh Gia Định.

Người châu Âu đầu tiên được ghi nhận đến Côn Đảo

Dù nằm khá xa đất liền, nhưng Côn Đảo lại nằm tại vị trí thuận lợi trên con đường hàng hải rất quan trọng giữa châu Âu - châu Á, nên sớm được người phương Tây biết đến. 
Côn Lôn lược sử chép: “Người Thái Tây trước nhất đã được biết đến đảo này vào năm 1294 là Marco Polo, người Ý sinh trưởng tại thành Venice.
Trước đó 25 năm, Marco Polo và người chú ruột là Mateo Polo vượt qua Địa Trung Hải sang miền Cận Đông (Asie Mineure) và từ đó đi đường bộ đến Bắc Kinh. Marco Polo có tài, được Nguyên Thế Tổ trọng dụng và phong quan tước cho.
…Thấy chí hai vị đã quyết, Nguyên chúa biết không thể cầm giữ được, bèn phê cho (được trở về cố quốc), nhưng với điều kiện là Marco Polo sẽ dẫn đầu phái đoàn hộ tống Nguyên công chúa Cogatra vâng lệnh vua cha sang kết duyên với vua xứ Ba Tư, sau khi có sớ và lễ cầu hôn của vua nước này.
Phái đoàn gồm 4.000 người đi trên 14 chiếc chiến thuyền to (thuyền buồm)… đã lần theo duyên hải Trung Hoa mà tiến xuống miền Nam. Theo lời ông Marco Polo thuật lại thì đạo chiến thuyền ấy đã đi ngang qua hải phận xứ Ciampa (xứ Champa gồm miền Nam Trung Việt và Việt Nam bấy giờ) và có ghé viếng xứ ấy.
Sau đó đạo chiến thuyền đi lần xuống phía nam và đi ngang qua quần đảo Côn Lôn. Nơi đây, đạo chiến thuyền bị một trận bão dữ dội làm đắm mất tám chiếc. Nhưng may thay Nguyên công chúa cùng hai chú cháu Marco Polo và Mateo Polo không hề gì…
Trận bão qua rồi, các chiến thuyền còn lại mới đến Tân Gia Ba, vượt qua eo biển Malacca (Mã Lai) vào Ấn Độ dương và sau cùng đến hải phận xứ Ba Tư…”.

Di tích lịch sử Dinh Chúa đảo

ẢNH: NAM HOA

Sau chuyến phiêu lưu ấy, Marco Polo đã viết tác phẩm Marco Polo du ký kể lại những điều tai nghe mắt thấy ở xứ sở Á châu, gây chấn động châu Âu lúc bấy giờ. Từ đó người châu Âu liên tục mở ra những chuyến thám hiểm vượt đại dương đi tìm những vùng đất mới, mà sau này nổi tiếng trong số họ có Vasco de Gama, Chritstopher Colombus, Magellan…

Vai trò quan trọng của Côn Đảo trong lịch sử cận đại

Côn Đảo nhỏ hơn Phú Quốc, nhưng lại có vị trí rất thuận tiện trên tuyến hàng hải Á - Âu nên nó được người châu Âu rất quan tâm.
Từ giữa thế kỷ 17, đã có những sự tranh chấp giữa hai công ty mang tên Đông Ấn - một của Anh và một của Pháp với Côn Lôn. Người Pháp đến nghiên cứu trước, nhưng người Anh mới là những người chiếm đảo trước vào năm 1702 và từng xây một pháo đài trên đảo. Sau 20 năm, họ bị hất khỏi đảo sau một cuộc nổi loạn của những người lính đánh thuê canh giữ pháo đài.

Di tích lịch sử Cầu tàu 914

ẢNH: NAM HOA

Hòa ước Versailles được ký kết năm 1787 giữa vua Pháp Louis XVI với Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) thông qua linh mục Bá Đa Lộc đại diện, có điều khoản nói An Nam sẽ nhượng cho Pháp một số nơi, trong đó có quần đảo Côn Lôn. Tuy nhiên về sau, do Pháp không thực hiện được những gì hứa hẹn nên vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) cũng không chịu thực hiện hòa ước.
Thời gian sau đó, người Anh đã ba lần quay trở lại Côn Đảo nhưng đều không thành công trong ý đồ chiếm đảo. Còn người Pháp cũng vô cùng thèm muốn chiếm giữ vị trí rất quan trọng này. Ngày 28.11.1861 chiến hạm Norzagaray đã nổ súng tiến công và dễ dàng chiếm được Côn Đảo - đó là lý do mà Hòa ước Versailles năm 1787, nước Pháp đặt điều kiện phải được Côn Lôn (cùng Faifo - Hội An), mà đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862, triều đình Huế phải nhượng cho Pháp 3 trong số Lục tỉnh Nam kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường mà không thấy nhắc đến quần đảo Côn Lôn nữa.

Một góc Hòn Bảy Cạnh

ẢNH: NAM HOA

Côn Đảo ngày nay là một huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm tất cả 16 đảo lớn nhỏ: đảo Côn Sơn (hay Côn Lôn), Hòn Bà (hay Côn Lôn nhỏ), Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Bông lan, Hòn Tài lớn, Hòn Tài nhỏ, Hòn Trắc lớn, Hòn Trắc nhỏ, Hòn Vung, Hòn Ngọc (hay Hòn Trọc), Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ, Hòn Trứng (hay Hòn Đá Bạc), Hòn Anh (hay Hòn Trứng lớn), Hòn Em (hay Hòn Trứng nhỏ). Nơi đây là một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng với các bãi tắm tuyệt đẹp, khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Côn Đảo và di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.