Ái Tử, một chiều tâm cảm...

15/11/2020 15:00 GMT+7

Hoạt mất vào một ngày tôi đang trong giai đoạn cách ly vì dịch Covid-19 ở thành phố Đà Nẵng . Tuổi Giáp Thìn 1964, Hoạt là chủ một quán nhỏ ven quốc lộ 1 của thị trấn Ái Tử….

Thi thoảng về quê Quảng Trị, tôi hay ghé Hoạt chơi, lần nào cũng vậy, tôi thường bắt gặp đôi mắt ngơ ngác của bạn nhìn tôi như muốn hỏi: Vì sao Ái Tử? Tôi thường im lặng không biết phải nói gì với Hoạt. Bao nhiêu sách vở có được cũng như nhiều lần tìm gặp các bậc cao nhân, tuyệt chưa ai giải thích giùm tôi cái tên Ái Tử xuất phát từ đâu. Hòn Vọng Phu nhiều nơi có nhưng địa danh Ái Tử chỉ duy nhất ở Quảng Trị, ấy vậy mà câu ca dao “Mẹ bồng con ra ngồi cầu Ái Tử/ Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu...” thì nhiều người biết đến.
Quán nhỏ của Hoạt nhìn ra phía trước bời bời cát trắng. Cát ở đây hẳn đã trắng từ khi còn là xứ Sa Khư lúc chúa Nguyễn Hoàng đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất này vào năm 1558. Để rồi sau đó, Ái Tử là nơi được chọn đặt dinh trấn đầu tiên của các chúa Nguyễn. Từ dinh trấn này, lịch sử kéo dài hàng trăm năm sau đó đã ghi dấu xứ Đàng Trong như mảnh ghép cuối cùng cho đất nước dọc dài hình chữ S toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay. Là thế, nhưng gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Ái Tử cũng chỉ là thị trấn nhỏ khiêm nhường ít ai để ý. Dù có quốc lộ 1, đường sắt bắc nam ngang qua, sông Thạch Hãn kề bên, những dòng người dòng đời vội vã thường nhật đi về, song dường như không có mấy bàn tay vẫy chào. Vì sao Ái Tử?
Tôi muốn nói với Hoạt rằng, có lẽ bởi Quảng Trị có quá nhiều địa danh nổi tiếng. Một sông Hiền Lương giới tuyến đau như vết cắt hàng chục năm trời, một Thành cổ Quảng Trị từng tan hoang ngang bằng với hai trái bom nguyên tử thả xuống, một địa đạo Vịnh Mốc như vạn lý trường thành trong lòng đất... Rồi nữa, hàng chục hàng trăm nơi chốn khác của vùng đất Quảng Trị cảm giác khi bàn tay ta chạm vào sẽ bắt gặp những trang sử không có dòng cuối cùng. Phải chăng vì vậy mà Ái Tử, dù cũng từng là chiến địa ác liệt, chỉ như nét cọ đâu đó trong ký họa chân dung quê mình.
Nhưng rồi vẫn thấp thoáng buồn. Quảng Trị nghèo khó nhưng không nghèo ý chí đã tái dựng thị xã Quảng Trị cách Ái Tử bởi dòng Thạch Hãn ngày càng khang trang, Đông Hà ở phía bắc Ái Tử đã trở thành thành phố tỉnh lỵ sầm uất, hay như Khe Sanh, Lao Bảo... xa xôi ở phía tây cũng đã là giấc mơ của người dân miền biên viễn. Còn lại chăng một Ái Tử lặng lẽ bên đường.
Khi đọc Việt sử xứ Đàng Trong (Phan Khoang) tôi cứ ám ảnh bởi chi tiết lúc chúa Nguyễn Hoàng quyết định dừng chân ở xứ Sa Khư. Bấy giờ nghe tin chúa ngự, các bô lão trong vùng đã đến bái kiến và dâng tặng chúa 7 vò nước. Hình dung, buổi trời nam nắng khát khô, sau chặng đường dài mệt mỏi, 7 vò nước đáng quý xiết bao. Nhưng càng khâm phục hơn khi Thái phó Uy quận công Nguyễn Ư Dĩ (cận thần và là cậu ruột của chúa Nguyễn Hoàng) đã nói rằng đó là điềm được “nước”, khởi đầu tốt đẹp cho quốc sự dài lâu.
Có đôi lần trò chuyện với nhà văn Thái Bá Lợi, tác giả của tiểu thuyết Minh sư khắc họa chân dung chúa Nguyễn Hoàng, tôi đã tâm sự và được nhà văn đồng tình. Tôi mơ ngày nào đó có một tượng đài, nhỏ thôi, giữa lòng Ái Tử. Tượng đài khắc họa chân dung Nguyễn Hoàng và các bô lão vây quanh dâng nước. Hay đơn giản hơn là hình ảnh một bông hoa xương rồng cách điệu với 7 vò nước, và nước từ vò chảy suốt ngày đêm, bất tận. Tôi gọi tên là Tượng đài Nước. Và tôi cũng ước mơ, sau này, những ai tìm về Quảng Trị sẽ dành ít thời gian làm chuyến du hành tâm tưởng theo gót người xưa. Hãy bắt đầu từ Cửa Việt (cửa biển duy nhất có tên trùng quốc hiệu, ngờ là nơi chiến thuyền của chúa Nguyễn Hoàng lần đầu ghé đến) rồi qua miền nắng gió Triệu Phong bái vọng pho tượng đồng cổ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ mà dân làng đã gìn giữ qua 400 năm, cuối cùng đến chân Tượng đài Nước. Đến đó, vốc từng ngụm nước mát lạnh trong lòng tay để cảm nhận thời gian xuyên thấu trong khát vọng mở mang bờ cõi của tiền nhân.
Hoạt mất sau cơn đau tim đột ngột. Phận số ngắn ngủi thường tìm đến những người đa cảm. Tôi không về thắp hương cho Hoạt được nhưng tôi sẽ nhớ mãi đôi mắt buồn ngơ ngác của bạn. Thời gian luôn là đại lượng bí ẩn với khoa học nhưng tôi nghĩ thời gian chắc chắn có một chiều tâm cảm. Tôi tin những suy tư chìm khuất trong bạn, những day dứt bé mọn của tôi, những chính kiến thầm lặng qua trang viết của nhà văn Thái Bá Lợi... và nhiều nữa, sẽ góp thành xung động nuôi giấc mơ biến thành hiện thực, cho Ái Tử trở về sáng rõ hơn giữa hồi quang từ miền ký ức.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.