Ai về Phan Thiết...

29/11/2020 07:00 GMT+7

Bạn có hôm gửi cho tôi tấm ảnh quán bánh flan (đúng ra là “kem flan” như cách gọi của người Phan Thiết) xưa học cấp 3 hai đứa thỉnh thoảng có tiền mới dám vào ăn, nay đã bị bức tường gạch như một đường ranh giới thẳng tắp ngăn giữa, biến thành hai quán kế nhau, một quán treo biển Mộng Cầm, quán kia là Mộng Cầm Xưa, quán nào cũng hẹp, cũng mới, và cũng xấu hơn nhiều so với quán cũ.

Quán Mộng Cầm “hồi đó”, chính là tiền thân của hai quán này, tương đối nổi tiếng ở Phan Thiết, vì món bánh flan và sữa chua mắc có tiếng, cũng vì đó là nhà của nữ sĩ Mộng Cầm. Tôi vẫn nhớ căn nhà cổ theo lối kiến trúc Đông Dương đó, với bức tường vôi cũ, khoảng sân rộng nhiều cây lá cũng nhiều muỗi, trong sân đặt mấy bộ bàn ghế giản dị, hai vợ chồng chủ quán tuổi trung niên là con gái và con rể cô Mộng Cầm vừa làm bánh bán vừa phục vụ chậm rì. Sau này tôi ở nước ngoài, bạn bè đa số ở Sài Gòn, ít về, nhưng khi nhắc chuyện thời đi học với nhau thỉnh thoảng vẫn nhắc quán Mộng Cầm ấy.
Bạn thở dài nói Phan Thiết là xứ nhàn nhạt, những điều thú vị vốn đã hiếm hoi giờ lại còn bớt đi, thật đáng tiếc!
Ừ, thoạt nhìn thì tưởng như vậy. Xét về mặt địa lý thì Mũi Né thuộc Phan Thiết đấy, tuy vậy trong lòng nhiều người Mũi Né là Mũi Né, còn Phan Thiết hình như chỉ gom gọn trong bảy cây số vuông nội thành, nhỏ xíu, nhỏ đến mức du khách nếu đi du lịch ngắn ngày sẽ nghĩ thôi bỏ qua cũng được, dù sao chung quanh những danh thắng khác đầy ra đó. Người ta có thể đi chùa Tà Cú, mũi Kê Gà ở Hàm Thuận Nam, đi bãi đá Cổ Thạch ở Tuy Phong, đi thuyền ra đảo Phú Quý, đi hái sen ở Bàu Trắng Bắc Bình. Vậy nếu bỏ Mũi Né ra, Phan Thiết còn có gì?
Kỳ thực, xứ nước mắm làm sao có thể nhạt! Chẳng qua những mặn mòi của đất ấy phải dụng tâm nếm trải mới biết, mới nhớ, mới phân biệt được.
Phan Thiết được trời thương, tuy ở ven biển mà ít bão hiếm lụt, có cảng biển mỗi sớm đón thuyền ghe về tấp nập, cá tôm tràn đầy; rồi những mùa cá cơm nặng trĩu thuyền hằng năm kết hợp với muối biển quê nhà đủ tháng đủ ngày sẽ biến thành giọt nước mắm màu hổ phách thơm ngon đậm đà, cả sắc, hương và vị đều thành một niềm lưu luyến với bao người Việt.
Trên đất ấy, xen lẫn giữa nhiều công trình hiện đại là những ngôi nhà cổ trầm tĩnh an bình với mái ngói rêu phong, màu tường vôi vàng và những cánh cửa sổ gỗ sơn xanh thấp thoáng đằng sau giàn hoa giấy tốt tươi phủ đầy cổng trước, hoa lá đan xen mềm mại đong đưa.
Phan Thiết vừa là đất của người thường vừa là đất của người thơ, tôi cứ nhớ quyển sổ tay hồi học cấp 3 của mình có chép những vần thơ của bác bạn ba tôi:
“Hoa sứ đỏ rụng nhiều xui tôi nhớ ngày đi trọ học
Nhà em láng giềng cửa sổ mở đêm khuya
Tưởng tượng có người thanh niên ngồi im trong quán gió
Khi chuyến xe đò tách bến trong mưa
Chuyến xe chở người đàn bà mang áo khoác
Tóc dài như tóc của em xưa”
(trích thơ Nguyễn Bắc Sơn)
Ngồi ôn chuyện với bạn qua Facebook, chợt phát hiện nỗi nhớ quê, nhớ nhà dằng dặc như thế, kể hoài không hết.
Một người bạn trêu chúng tôi, cả chục năm nay về Phan Thiết mọi người đi nhậu ở các quán hải sản bờ kè chứ có ghé Mộng Cầm đâu mà tiếc với nuối. Thật khó mà giải thích cho bạn hiểu, rằng có những nơi chốn, có những người như một sự ký thác về tinh thần, dẫu không thường xuyên ghé lại hay thấy nhau, nhưng ta sẽ an lòng khi biết cảnh ấy người kia vẫn còn ở đó. Chỉ là, không điều gì còn mãi, hoa lá rồi tàn, người rồi sẽ có lúc rời khỏi chuyến xe trần gian, cho nên nếu chuyện tình xưa chỉ được nhớ một thời, căn nhà xưa che đủ cho một đời người, âu cũng là lẽ thường tình. Nếu có thể có gì đó, trong quãng thời gian hữu hạn của một đời người, không bị mài mòn, bị bôi xóa bởi những gợn nước êm ái mà vô tình của tháng năm, mà ngược lại, càng thêm khắc sâu, thêm thấm thía, hẳn chỉ có kỷ niệm.
Tựa như quán Mộng Cầm nay đã thôi xưa, mà có hề chi, trong lòng vẫn còn đó một góc sân nơi hương hoa nhài ướp thơm nồng một đêm trăng sáng, cùng với tiếng tạch tạch của máy cassette khi đổi băng, và giọng ca Tuấn Ngọc khàn khàn “Đôi ta chỉ có một mùa hè thôi”.
Hay tựa như ba tôi đã đi xa, nhưng trong tôi vẫn không phai mờ kỷ niệm về những ngày thơ ấu ba chở tôi trên chiếc xe đạp cũ qua mọi con đường, qua 3 cây cầu bắc ngang sông Cà Ty vô số lần, và ba kể cho tôi nghe bao nhiêu câu chuyện về đất, về người, từ đó tôi thương yêu mảnh đất nơi ba tôi lớn lên; cho đến ngày có những câu chuyện của riêng mình, lại thương thêm một lần mảnh đất nơi mình lớn lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.