Toàn tuyến QL1 qua Phú Yên có chiều dài hơn 134 km. Trong đó, hơn 102 km do Khu Quản lý đường bộ 3 (thuộc Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT) trực tiếp quản lý bảo trì; còn hơn 32 km do nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp BOT quản lý, bảo trì.
“Dân chịu không nổi”
Cánh tài xế mỗi khi đi qua Phú Yên đều lắc đầu ngao ngán. “Đường chi chít ổ gà, nhiều đoạn đơn vị thi công cày lên rồi để đó khiến mặt đường như ruộng cày. Xe qua lại phải bò, chòng chành, lắc lư, nhồi lên nhồi xuống lộn cả ruột gan”, tài xế Nguyễn Huy Hưng (Bình Định) bức xúc.
Mặt đường QL1 đoạn từ ngã ba Nguyễn Tất Thành đến ngã ba Hùng Vương, TP.Tuy Hòa nhìn từ trên cao |
ĐỨC HUY |
Không chỉ giới tài xế bức xúc, cuộc sống người dân sống dọc QL1 đoạn qua Phú Yên cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nắng bụi mưa lầy. Thê thảm nhất là đoạn qua TP.Tuy Hòa, từ ngã ba đường Nguyễn Tất Thành đến ngã ba đường Hùng Vương. Cách đây 3 tháng, mặt đường ở đoạn này hư hỏng nên đơn vị thi công cày xới mặt đường lên, nhưng rồi để đó cho đến nay.
Nhà của ông Lê Tiến Mỹ (71 tuổi, ở xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa) nằm ở mặt tiền QL1 đoạn đang thi công nên gia đình ông phải dùng bạt để che chắn, thế nhưng nhà vẫn ngập bụi. “Cách đây 3 tháng, đường chỉ có ổ gà, đáng lẽ vá từng ổ gà rồi chờ khi có điều kiện thuận lợi thì đào lấy mặt đường để thi công. Đằng này, họ không vá mà múc lên, rồi mưa xuống thành bùn lầy nên dẫn đến cảnh xe va quệt nhau, té ngã. Nhưng đến khi khô ráo thì bụi bay vào nhà, dân chịu không nổi”, ông Mỹ bức xúc.
Anh Nguyễn Văn Sáu ở H.Sông Hinh (Phú Yên) nhưng làm việc ở TP.Tuy Hòa, hằng ngày thường xuyên qua lại đoạn đường từ ngã ba Nguyễn Tất Thành đến ngã ba Hùng Vương. Anh ngao ngán: “Đường lầy lội quá. Họ cứ móc lên rồi để đấy, không sửa chữa gì cả. Không biết cơ quan chức năng giải quyết thế nào, chứ đường như thế này thì quá ớn”.
Vì sao đường “nát như ruộng cày” ?
Khi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Phú Yên, HĐND tỉnh Phú Yên và UBND tỉnh Phú Yên, đại diện Cục Đường bộ VN lý giải về nguyên nhân mặt đường QL1 đoạn qua Phú Yên bị hư hỏng.
Theo Cục Đường bộ VN, khu vực tỉnh Phú Yên đèo dốc, địa hình phức tạp, chịu tác động thường xuyên của nước ngầm. Trong khi đó, QL1 qua Phú Yên được đầu tư xây dựng quy mô đường cấp 3, mặt đường cao cấp A1 (theo TCVN 4054). Theo tiêu chuẩn này, thì số xe tiêu chuẩn tích lũy trong thời hạn thiết kế trên 1 làn trong 10 năm là 4 triệu xe.
Đơn vị thi công vá ổ gà trên tuyến tránh QL1 đoạn qua TP.Tuy Hòa bằng bao cát |
ĐỨC HUY |
Tuy nhiên, theo Cục Đường bộ VN, số liệu đếm xe trong 4 năm (từ 2019 - quý 3/2022) cho thấy lưu lượng xe tiêu chuẩn trên 1 làn xe là hơn 4,4 triệu xe; vượt số xe tiêu chuẩn tích lũy trong thời hạn thiết kế trên 1 làn xe trong 10 năm.
Ngoài nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân do nguồn vốn hạn hẹp, mỗi năm chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sửa chữa, nên những hư hỏng này chưa được sửa chữa kịp thời, kết hợp với thời tiết bất lợi do mưa lớn kéo dài dẫn đến nền đường bị ngấm nước, làm suy yếu khả năng chịu lực.
Ông Lê Văn Thìn, Phó trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Phú Yên, cho biết qua làm việc, Cục Đường bộ VN đã chỉ đạo triển khai khắc phục các hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông. Đến thời điểm 22.11.2022, khối lượng khắc phục hư hỏng mặt đường khoảng 41.400 m2, đạt khoảng 59% khối lượng hư hỏng. Cục Đường bộ VN cam kết với Đoàn đại biểu QH tỉnh Phú Yên sẽ hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng phát sinh do mưa lũ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
“Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Đoàn đại biểu QH tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng tuyến QL1 trên địa bàn tỉnh Phú Yên”, ông Thìn nói.
Mặt đường QL1 hư hỏng nặng nên xe máy cũng chen vào làn xe ô tô |
ĐỨC HUY |
Chậm khắc phục là do… trời (!)
Cũng theo Cục Đường bộ VN, việc khắc phục hư hỏng mặt đường phát sinh trên QL1 đoạn qua Phú Yên khó khăn, chậm là do thời tiết mưa liên tục nên không thể vá sửa triệt để bằng bê tông nhựa nóng, mà chỉ vá tạm để đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, do vá trong mưa nên miếng vá tiếp tục hư hỏng, phải thực hiện nhiều lần.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên tuyến tránh QL1 đoạn qua TP.Tuy Hòa, đơn vị sửa chữa dùng những bao cát để vá các ổ gà lô nhô trên mặt đường. Khi nhìn thấy PV Thanh Niên ghi hình, các công nhân vội vã thu hồi biển cảnh báo rồi đi.
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 3, giải thích: “Đoạn đường từ ngã ba Nguyễn Tất Thành đến ngã ba Hùng Vương đang có dự án sửa chữa của Ban quản lý dự án đường bộ 4 trực thuộc Cục Đường bộ VN. Đoạn này đang thực hiện cào bốc tái chế lại nhựa đường cũ, rồi sau đó trải thảm lên. Nhưng do 3 tháng nay mưa liên tục, họ chưa thảm được bê tông nhựa nên mặt đường rất xấu và bẩn, mặt đường như ruộng cày. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường bộ 4, chỉ cần nắng ráo trong 1 tuần thì đơn vị thi công sẽ trải thảm nhựa ngay”.
“Hiện các đơn vị thi công đã tập kết phương tiện dọc theo QL1 chờ nắng ráo thì triển khai thi công, nhưng mưa cứ kéo dài. Tình trạng này khiến các nhà thầu cũng than thở bởi lãng phí phương tiện, nhân công. Họ cũng chỉ mong muốn trời nắng để thi công cho xong, đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện”, ông Hoài nói.
Lấy tiền ngân sách vá QL1 bằng… bao cát
Về chuyện đơn vị sửa chữa vá ổ gà trên QL1 bằng bao cát, ông Nguyễn Thanh Hoài giải thích: Do số lượng ổ gà phát sinh nhiều mà trời lại mưa kéo dài nên không có vật liệu gì để vá, đành vá tạm bằng vật liệu cấp phối đá dăm, bao cát tạm thời.
“Chi phí này chỉ tính một lần khoảng 90 triệu đồng/km từ nguồn phân bổ của Cục Đường bộ VN. Anh em rất vất vả, chỉ đổ xuống vá tạm ổ gà, chờ nắng lên sẽ cắt, sửa chữa lại chứ không phải vá như vậy là xong như nhiều người suy nghĩ”, ông Hoài thanh minh.
Trả lời câu hỏi vì sao trời nắng không sửa chữa mà lại đợi đến mùa mưa mới sửa đường, ông Hoài lý giải: “Chi phí sửa chữa này liên quan đến ngân sách nhà nước nên theo tiến độ bố trí vốn. Năm nay, tháng 3 - 4 mới có vốn, lúc ấy mới duyệt kế hoạch đấu thầu, rồi mới đấu thầu rộng rãi… Đến tháng 5 mới bắt đầu triển khai. Có một số cái chưa có trong dự án, mới hư hỏng phát sinh. Vì kế hoạch vốn chậm nên đến khi hoàn tất thủ tục, triển khai thi công thì đúng vào mùa mưa, chứ không ai muốn thi công vào mùa mưa cả”.
Đáng nói hơn, những năm trước, tình trạng QL1 đoạn qua Phú Yên nát như ruộng cày cũng đã từng xảy ra kéo dài. Những ai phải chịu trách nhiệm? PV Thanh Niên đặt câu hỏi này với nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, nhưng câu trả lời đều bị bỏ ngỏ! (còn tiếp)
Bình luận (0)