Âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học

Ngọc An
Ngọc An
16/05/2021 06:21 GMT+7

Không ít sản phẩm, dự án âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học Việt được nhiều nghệ sĩ thực hiện.

Nữ ca sĩ 9X Quách Mai Thy vừa đánh dấu 2 năm đăng quang ngôi vị quán quân cuộc thi Sao Mai toàn quốc bằng dự án Thy - Nương gồm MV Mục hạ vô nhân cùng 2 single (ca khúc đơn) Chờ chàng và Ngọc Hoa tự khúc. MV Mục hạ vô nhân có ca khúc được nữ nhạc sĩ trẻ Trần Khánh Ly viết dựa trên điệu xẩm chợ. Trần Khánh Ly cũng là tác giả ca khúc Chờ chàng lấy cảm hứng từ trích đoạn Xúy Vân giả dại trong vở chèo cổ Kim Nham, và ca khúc Ngọc Hoa tự khúc lấy cảm hứng từ nhân vật Mỵ Nương trong truyện cổ tích Sơn Tinh - Thủy Tinh.
“Ban đầu, tôi chỉ đơn giản muốn gợi lại cho khán giả nhớ về hình ảnh của mình trong đêm chung kết Sao Mai với một bài hát về nhân vật Xúy Vân. Nhưng từ bài hát đặt hàng mới này, tôi nghĩ tại sao mình không thử với nhiều nhân vật khác trong lịch sử, văn học... Những ca khúc mang âm hưởng âm nhạc dân gian nhưng không theo lối cũ mà được làm theo lối đương đại”, Quách Mai Thy chia sẻ. Dự án Thy - Nương cũng đánh dấu con đường đi riêng mà nữ ca sĩ này tìm thấy sau khoảng thời gian loay hoay kể từ khi kết thúc cuộc thi Sao Mai 2019.
Mới đây, ca khúc Kiều mệnh khúc do nhạc sĩ Huy Tuấn và nhạc sĩ - nhà thơ - nhà văn Mai Lâm sáng tác, với sự thể hiện của Bùi Lan Hương cho bộ phim Kiều (đạo diễn: Mai Thu Huyền) thậm chí còn được chú ý hơn cả chính bộ phim. Khán giả có thể nhận ra những hình ảnh, ý thơ của Truyện Kiều trong lời ca khúc: “... Rồi vầng trăng xanh trên trời kia chia làm đôi/Dặm trường trăng soi theo người đi xa dần xa/Nửa soi gối chiếc mình ta/Rồi mùa đông qua xuân lại sang nắng lại trong/Dịu dàng cành hoa lê điểm tô thêm vài bông/Cỏ xanh ngát tận chân trời...”.
Có lẽ, kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm văn học Việt được các nhạc sĩ lấy cảm hứng sáng tác nhiều nhất cả trong âm nhạc hàn lâm lẫn âm nhạc giải trí. Còn nhớ, nhạc sĩ trẻ Cao Bá Hưng từng khiến những nhạc sĩ kỳ cựu, cũng là thành viên ban giám khảo của chương trình Sing My Song - Bài hát hay nhất 2016 và khán giả truyền hình phấn khích khi mang đến ca khúc Kiều khai thác hình ảnh nàng Kiều mang kiếp hồng nhan bạc phận. Những nhạc sĩ thuộc thế hệ trước như Phạm Duy cũng đã viết tác phẩm Kiều ca mà lúc sinh thời ông chia sẻ là tác phẩm vẽ chân dung nàng Kiều bằng âm nhạc. Tác phẩm gồm hàng chục đoản khúc, có độ dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Cách đây 3 năm, nhạc sĩ Lam Phương cũng công bố trường ca về Kiều với 2 tác phẩm Trước lầu Ngưng Bích và Tu là cõi phúc - Tình là dây oan...
Bên cạnh đó, dự án âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học Việt trở thành “hit” có thể kể đến như MV Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh. Những hình ảnh trong MV gợi nhắc đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, nhân vật Thị Nở, Chí Phèo, Lão Hạc, cậu Vàng trong những tác phẩm của nhà văn Nam Cao... Trước đó, Hoàng Thùy Linh từng thực hiện MV Bánh trôi nước với ca khúc do nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác dựa theo bài thơ cùng tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Hoàng Thùy Linh gợi nhắc đến nhiều nhân vật văn học VN trong MV Để Mị nói cho mà nghe

Ảnh: TL

Bản sắc riêng cho nhạc Việt

Ca sĩ Quách Mai Thy chia sẻ, truyện cổ tích Sơn Tinh - Thủy Tinh chỉ nói nhiều đến chuyện vua Hùng kén rể và cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh để giành nàng Mỵ Nương; còn tâm trạng, cảm xúc của nàng Mỵ Nương lại gần như không được nhắc đến. “Chính vì thế, tôi đã nghĩ tới ca khúc để “vẽ” về nàng, cũng như cách đối diện, đón nhận cuộc sống của nàng”, cô bày tỏ và nói thêm: “Trước hết, tôi muốn khai thác những nhân vật nữ rồi sau đó sẽ phát triển tới những nhân vật nam, hay cả những con vật trong tích truyện xưa. Đây sẽ là hướng đi lâu dài của tôi dù mọi việc không dễ dàng ngay từ lúc bắt đầu”.
Quách Mai Thy kể, đầu tiên cô phải tìm hiểu thêm về những nhân vật trong văn học, nghệ thuật dân gian. “Khi đã lựa chọn nhân vật phù hợp, tôi lại phải tính đến chất liệu âm nhạc phù hợp như với nhân vật Xúy Vân là kết hợp với chèo, còn nhân vật Mỵ Nương là xẩm... Sắp tới, với những nhân vật tiếp theo, tôi đang nghĩ đến những chất liệu khác như chầu văn hoặc ca trù...”, nữ ca sĩ cho biết.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận, những sản phẩm âm nhạc khai thác văn học, cùng những yếu tố, chất liệu văn hóa, nghệ thuật dân gian đang cho thấy sự thú vị của đời sống âm nhạc Việt. “Chúng ta có một kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú. Việc khai thác kho tàng này có thể tạo nên sự độc đáo, đặc sắc cho nhạc Việt”, ông Long nói và cho rằng, việc này không chỉ giúp đa dạng đời sống âm nhạc trong nước mà có thể tạo nên bản sắc riêng cho nhạc Việt khi đến với người nghe thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.