Ly cà phê lóng lánh bởi những vảy vàng 24 karat li ti cuốn hút. Dưới ánh đèn trong vắt, giữa tứ bề không gian sóng sánh bởi sắc vàng trên các bức tường, dàn kệ, cột và các vật dụng thì sự bắt mắt, quyến rũ của ly cà phê cùng những chiếc bánh có vảy vàng như được nhân cấp lên nhiều lần.
Nhấp một ngụm "lấp lánh" nguyên vẹn hương vị cà phê vào miệng, người tận thưởng cảm thấy được "mãn nguyện" hơn về xúc cảm chứ không hẳn vì thấy ngon miệng hay cảm nhận được vị kim loại quý trong thức ăn.
Sự háo hức sẽ bắt đầu từ ánh nhìn, len lỏi qua khứu giác, chậm rãi thấm từng nhịp vào vị giác gây thèm thuồng và lan tỏa trong lồng ngực sự thú vị, phấn khích, kích thích sự tò mò, thôi thúc sự khám phá nhiều hơn nữa. Hơn cả nhu cầu ẩm thực thông thường, các món ăn với vàng bao giờ cũng làm nên một đẳng cấp xa hoa cùng sự tinh tế nhất hạng.
Có vô số thứ để người ta có thể trải nghiệm...
Những thực khách hảo ngọt sẽ không ngần ngại trước các món bánh, kem, cà phê... Còn những thực khách ưa "protein" sẽ lựa chọn ngay những tảng đùi bò được bao quanh bởi những lá vàng mỏng hoặc những miếng khoai tây rắc vàng và cả những chiếc cánh gà bọc vàng lá...
Dù là bất cứ món ăn nào thì ẩm thực dát vàng cũng hứa hẹn mang đến sức hấp dẫn, sự độc đáo vô đối. Chưa bao giờ cảm xúc xa hoa, được "gần với vàng", "sống trong vàng" lại khiến người ta tan chảy tới vậy.
Thực ra thì vàng trong ẩm thực không phải là một khái niệm xa lạ. Từ xa xưa, trong các món ăn của vua, chúa, hoàng tộc các đầu bếp đã thêm vào món ăn các vảy vàng hay miếng vàng dát mỏng với mục đích tăng tính xa hoa, thượng hạng, độc đáo cho món ăn.
Với đặc tính không mùi, không vị, khi được đưa vào thức ăn thứ kim loại quý này không hề làm biến đổi hương vị của món mà ngược lại còn làm đạt tầm, ý của đầu bếp, hoàn hảo thêm cảm xúc, trải nghiệm của người thưởng thức.
Theo các chuyên gia hóa học, vàng sử dụng làm trang sức hoặc tích lũy làm của cải không giống vàng dùng trong món ăn. Vàng dùng trong món ăn là vàng thật, có độ tinh khiết đạt 100% (loại 24 karat, không lẫn tạp chất). Vậy nên về bản chất, chúng an toàn khi ăn. Xét về mặt sinh học thì nó có tính "trơ" nên dễ dàng đi qua đường tiêu hóa mà không bị hấp thu. Thực khách khi ăn có thể tự tin bỏ đi âu lo món kim loại quý này sẽ ảnh hưởng hoặc gây nặng cho hệ tiêu hóa của thực khách.
Đó là chưa kể vàng dát lên đồ ăn thường được tán rất mỏng, bào vụn nên về mặt cơ học sẽ không gây ra ảnh hưởng cho các cơ quan nội tạng, về mặt hóa học thì vàng cũng không có tính độc hại đồng thời có tính diệt khuẩn tốt, nếu sử dụng đúng cách không chỉ nhãn quan và xúc cảm của thực khách được thăng hoa mà một số yếu tố về sức khỏe còn được hỗ trợ.
Ở Việt Nam, hiện cũng có khách sạn tại Hà Nội cung cấp khá đa dạng các món ăn về vàng với thực đơn khá đa dạng từ kem, cà phê đến bánh, thịt bò... đều dát vàng. Ở Mỹ có một số nhà hàng cung cấp các món dát vàng cũng không ít món. Thực đơn thậm chí còn đa dạng thêm cả rượu vảy vàng đến khoai tây, bỏng ngô, bánh ngọt… Thậm chí có một vài nhà hàng ở Trung quốc còn cho phép order các món ăn về vàng qua trang online.
Cũng như một số lĩnh vực, ngành nghề khác như thời trang, cắm hoa, làm trà thì ẩm thực trong nhiều tình huống được nâng hạng lên thành nghệ thuật. Bởi vậy mà việc thưởng thức của thực khách đôi khi không chỉ dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu ăn uống thường nhật mà trong những tình huống khác biệt nó được nâng tầm thành nghệ thuật thông qua các "chiêu" chế biến, thêm bớt các thành phần và tạo thẩm mỹ, xây dựng hình thức cho món ăn (khiến nó trở nên độc đáo, có một không hai).
Nguồn: Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, Daily Mail