Hầu hết mọi người ăn chay thường ăn các loại rau, củ, quả, trái cây... hoàn toàn bằng thực vật và không có thịt động vật. Có nhiều lý do để ăn chay, người thì cho rằng ăn chay để tâm thanh tịnh, ăn chay để không sát sanh động vật, ăn chay để giữ gìn sức khỏe, ăn chay vì thích, ăn chay theo nghi thức tôn giáo....
Ăn chay để tâm thanh tịnh có đúng không?
GS. Đỗ Thanh Hải cho biết, việc ăn chay nói riêng cho những người có cơ địa thích ứng, đương nhiên dễ tiêu hóa hơn, khí huyết lưu thông đều hòa, giúp đầu óc nhẹ nhàng thanh thản hơn, liền cho đó là tâm thanh tịnh do hành giới ăn chay mà nên.
Mặt khác, nếu ăn chay mà bày biện hình thức, nghi thức này nọ là đã phạm Tiểu/Trung/Đại giới, tâm sao được thanh tịnh?
Ăn chay là không sát sinh?
Phật học chỉ ra tất cả sự sống từ lớn/nhỏ/thấy được/không thấy được/trong tưởng tượng/ngoài tưởng tượng đều bị chi phối bởi luật nhân/quả luân hồi, chung quy lại có 12 loại chúng sinh.
Ăn chay đồng nghĩa là thọ thực chúng sinh loại thấp sinh và noãn sinh sao gọi là không sát sinh? Ngay cả khi ăn hạt gạo trắng kia, ta có biết rằng phải cày bừa, đào xới làm hại côn trùng, diệt sâu rầy, vắt sức trâu bò kéo cày, vận chuyển... Miệng kia uống nước, có biết rằng trong đó chứa đựng vô số chúng sinh loại thấp sinh (vi sinh vật), trong không khí ta hít vào thở ra cũng vậy, mỗi cái hắt hơi của ta đã sát sinh bao nhiêu chúng sinh loại thấp sinh?
Hay khi bệnh ta uống thuốc kháng sinh vào cơ thể, như vậy ta đã sát hại bao nhiêu chúng sinh loại thấp sinh? Chân ta đi trên đất giẫm đạp sát hại bao nhiêu loại chúng sinh thấp sinh?
Vậy nên, phải hiểu cho đúng lời Phật dạy: “Với lẽ thật trong vũ trụ, chúng sinh sinh ra bởi do nhân duyên chuyền níu, chẳng đầu đuôi, cả thảy đều là bố thí cho nhau, chan sớt chia sẻ cho nhau, đan xin lẫn nhau, mới có cái sống biết, không ngang nhiên hay âm thầm tước đoạt của nhau và sống biết tu học, biết bình đẳng… Vì thế mà ai ai cũng đều là Khất sĩ cả, người giác-ngộ đều nhận ra chân lý ấy; hết thảy chúng-sinh đều là xin học. Kìa chúng-sinh đang xin với cỏ cây, nước, đất, thú, người, Trời, Đất, tất cả thảy đều xin cả, xin lẫn nhau, hiểu đến lẽ xin học, thì thấy rõ chân như ngay…”.
Ăn chay và hòa khí gia đình
Lời dạy của Tổ Đạt-ma trong Kinh Thiếu Thất Lục Môn có đoạn:
"Lại nói về món ăn, nên biết rằng có 5 loại thức ăn: Một là loại thức ăn bằng niềm vui chánh pháp, nghĩa là giữ theo đúng như chánh pháp, vui vẻ mà làm theo. Hai là loại thức ăn bằng niềm vui của thiền định, nghĩa là trong ngoài lắng sạch, thân tâm an vui. Ba là loại thức ăn bằng niệm tưởng, nghĩa là thường niệm tưởng giác ngộ, trong tâm tưởng, ngoài miệng niệm đều tương hợp với nhau. Bốn là loại thức ăn bằng tâm nguyện, nghĩa là trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi đều cầu được những nguyện lành. Năm là loại thức ăn bằng sự giải thoát, nghĩa là trong tâm thường thanh tịnh, chẳng để bụi trần làm ô nhiễm. Thường ăn 5 loại thức ăn này thì gọi là ăn chay".
GS. Đỗ Thanh Hải giải thích, đối với Phật tử tại gia, tập quán truyền thống bữa cơm gia đình mang ý nghĩa ấm áp tình thương ấm no hạnh phúc, nếu không khéo hành xử thuận hòa, sống lập dị cho cái “tôi” bám víu sẽ làm mất hòa khí… Trên thực tế, nhiều người lập dị trong ăn uống, từ chiếc đũa, thìa, chén, bát cất riêng hễ ai đụng vào là nhăn mặt, nhíu mày, lỡ ăn nhầm tí thực phẩm mặn suốt ngày buồn ủ rũ tựa như phạm tội gì nặng lắm vậy đó.
Nhắc lại tích xưa, Lục Tổ Huệ Năng lúc lánh nạn sống cùng nhóm thợ săn trong rừng, Ngài cũng từng thọ mặn nhằm giữ sự hòa hợp cùng họ, nhưng khéo léo ăn rau không ăn thịt, vậy thôi…
Thời nay, thực phẩm chay nhiễm bẩn hóa chất (tàu hũ, tương ủ hóa chất, rau kích thuốc), ta cần phải thận trọng, nhất là những thực phẩm chay chế biến giả mặn thập cẩm. Ăn chay mà tâm mặn sao thực gọi là ăn chay, gọi là tu giác ngộ?
Theo GS. Đỗ Thanh Hải, cần tránh ăn thịt sống, ăn uống vô độ (lúc nào cũng ăn cho dù đã no, ăn ở con mắt), ăn uống sai giờ giấc nhất là ăn ban đêm, xét về mặt khoa học thì đương nhiên là sẽ bị bệnh rối loạn nhịp sinh học và tiêu hóa dẫn đến tinh thần sẽ bất ổn.
Con đường tu học giác ngộ (Đạo Phật) chân chính không gì ngoài viện vận dụng trí tuệ để thấu hiểu dần quy luật của vạn pháp [Tuệ hành], đồng hành cùng lý trí để cai nghiện/chế phục [Định/Tịnh hành] dần Ngũ Dục (Sắc/Danh/Tài/Thực/Thụy) [Giới hành] đã từng khiến ta bị mê mờ tạo sinh nghiệp Sát/Tranh xuyên suốt nhiều đời kiếp… Trong phẩm Giới hành, chi phần Thực Dục thuộc Ngũ Dục cấu, ta cần phải hiểu Thực Dục gồm có 4 tướng: 1 - Đoàn thực (thức ăn vào cửa miệng: thực phẩm, nước, dược phẩm, gia vị); 2 - Xúc thực (thức ăn của thân thể: những khoái cảm của thân xác); 3 - Thức thực (thức ăn của mắt, tai, mũi, lưỡi, ý: Sắc, Thanh, Hương, Ngôn, Pháp); 4 - Tư niệm thực (ý tư lương với hiện tại/tương lai, nghiền ngẫm lại quá khứ).
Rõ ràng nội dung Kinh cho thấy Đức Phật hoàn toàn không áp đặt việc ăn chay trong hành trình khởi đầu việc tu học giác ngộ. Ta cần nên nhớ rằng ăn chay thuộc chi phần Đoàn thực trong 4 thực như đã nói ở trên, đồng thời cai nghiện được 5 dục cần phải biết (tri tu, tri giới) mới đúng gọi là giữ giới.
Riêng đối với những hành giả tu học giác ngộ thì cần nên tập ăn chay dần sẽ tốt hơn, từ từ ăn bớt thịt cá, nhiều rau quả thay dần đến khi thích nghi được cơ thể hoàn toàn thì thọ trường chay, lưu ý không bị ám thị rập khuông, tự kỷ ám thị ăn chay/tụng niệm/bày biện nghi thức để tu thành... Tín thọ tà kiến vội cố cưỡng ép sắc thân hữu vi - vốn thật bất tịnh - phải như là thế này, thế kia, thế nọ... Điều luôn cần nên nhớ rằng hành trình tu học giác ngộ, đối chiếu theo chánh pháp phật học nguyên thủy, đó chính là công phu khéo giải hóa dần thân tâm hiện chưa hoàn thiện thành hoàn thiện dần (thiện xảo diệu hóa), Thầy dẫn đường chính là Giới, Đường (Đạo) bằng phẳng (dung hòa) chính là Tứ niệm xứ, Bản đồ định hướng thoát rừng mê chính là Chánh pháp và Ánh sáng soi đêm chính là Trí tuệ, ngoài ra không gì khác hơn.
Giáo sư Đỗ Thanh Hải, sinh tại An Giang, hiện sinh sống tại TP.HCM. Giáo sư được biết đến là một nhà khoa học trên 20 năm kinh nghiệm về Kỹ thuật Điện tử, xuất bản rất nhiều tài liệu chuyên ngành, cộng với niềm đam mê vô tận về việc khám phá những tiềm năng ẩn chứa trong sự sống, kết hợp cùng động lực cảm ứng phát khởi từ nhận thức của nội tại...
Những thành tựu nghiên cứu của GS phát minh ra ngành khoa học mới có tên gọi là Khoa học Tâm Thức dựa trên nền tảng kết hợp hài hoà những tinh hoa của tri thức Đông và Tây phương về các lĩnh vực: Khoa học, Tôn Giáo, Tâm linh nhằm vào ý hướng chính là kết hợp cùng cộng đồng tạo nên cầu nối tri thức phối kết giữa Khoa học-Tôn Giáo-Tâm linh . Các đầu sách do GS biên soạn đã xuất bản về khoa học tâm thức và tôn giáo như Ngũ giới đạo thành người; Ngũ giới theo góc nhìn khoa học; Phạm võng kinh tinh giải (NXB Tổng hợp Đà Nẵng). |
Bình luận (0)