Ông Singh cho biết động thái này theo sau lời kêu gọi tự lực về quốc phòng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ấn Độ là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Ấn Độ tăng cường mua vũ khí sau cuộc đụng độ với Trung Quốc tại biên giới ở vùng Kashmir hồi tháng 6. Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt mua sắm thêm 33 máy bay chiến đấu của Nga và nâng cấp thêm 59 chiếc chiến đấu cơ khác hồi tháng 7.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc lên đỉnh điểm sau cuộc đụng độ tại một khu vực biên giới đang tranh chấp ở phía tây Himalaya làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Ấn Độ thiếu máy bay chiến đấu, trực thăng và lựu pháo do ngân sách quốc phòng trong nhiều năm qua ở mức thấp.
“Lệnh cấm đối với vũ khí nhập khẩu được lên kế hoạch thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024, nhằm thông báo đến ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ về các yêu cầu dự kiến của lực lượng vũ trang, giúp họ có sự chuẩn bị tốt để thực hiện mục tiêu nội địa hóa”, ông Singh viết trên Twitter.
|
Ấn Độ thường xuyên mua thiết bị quân sự từ Nga, tuy nhiên lượng vũ khí mua từ Mỹ và Israel cũng ngày càng tăng. Thủ tướng Modi đã nhiều lần kêu gọi cắt giảm sự phụ thuộc của quân đội vào hàng nhập khẩu đắt tiền, theo Reuters.
Từ tháng 4.2015 đến tháng 8.2020, quân đội Ấn Độ đã ký kết hợp đồng trị giá khoảng 3,5 nghìn tỉ rupee (khoảng 1,085 triệu tỉ đồng) cho các mặt hàng vũ khí hiện thuộc danh sách sẽ ngưng nhập.
Chính phủ Ấn Độ ước tính các đơn hàng vũ khí trị giá khoảng 4 nghìn tỉ rupee sẽ được giao cho các doanh nghiệp nội địa trong vòng 5 đến 7 năm tới.
Danh sách các mặt hàng bị cấm nhập sẽ bao gồm hệ thống vũ khí công nghệ cao, pháo, hệ thống sonar, máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ, ông Singh cho biết.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng phân chia ngân sách mua sắm vũ khí cho giai đoạn năm 2020 - 2021 đối với nguồn cung ứng trong và ngoài nước, trong đó gần 520 tỉ rupee (khoảng 161 nghìn tỉ đồng) dành cho nguồn cung trong nước trong năm tài chính hiện tại.
Bình luận (0)