Hãng tin Bloomberg trích số liệu của Deloitte công bố hôm nay 18.9 cho hay số dân từ 65 tuổi trở lên ở châu Á sẽ tăng từ 365 triệu người ở mức hiện nay lên hơn nửa tỉ người trong năm 2027, chiếm 60% dân số trong độ tuổi này trên toàn cầu vào năm 2030.
Ngược lại, Ấn Độ sẽ thúc đẩy làn sóng tăng trưởng lớn thứ ba ở châu Á, theo sau Nhật Bản và Trung Quốc, với số lao động có thể tăng từ 885 triệu người lên 1,08 tỉ người trong 20 năm tới và luôn giữ số lượng lao động trên mức này trong nửa thế kỷ.
“Ấn Độ sẽ chiếm hơn nửa mức tăng lao động châu Á trong thập niên tới, song đây không chỉ là câu chuyện về việc số lao động đi lên. Dàn lao động mới sẽ được đào tạo và giáo dục tốt hơn so với lực lượng lao động hiện tại của Ấn Độ”, nhà kinh tế Anis Chakravarty thuộc hãng Deloitte India cho hay.
Ông Anis Chakravarty cho biết thêm tiềm năng kinh tế sẽ đi lên cùng với đó nhờ mức tăng tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động, mức tăng kỹ năng và khả năng làm việc lâu dài hơn. Giới doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn từ các yếu tố này.
Ấn Độ không phải là nền kinh tế duy nhất ở châu Á có tương lai tươi sáng. Indonesia và Philippines cũng có dân số tương đối trẻ và sẽ tăng trưởng tương tự. Bức tranh kinh tế Ấn Độ cũng không phải là không có vấn đề. Nếu nước này không có cách giúp thúc đẩy và duy trì tăng trưởng, dân số bùng nổ sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội.
Ngược lại với Ấn Độ, Deloitte nêu tên các nước và vùng lãnh thổ sẽ chịu thách thức lớn nhất từ tình hình già hóa dân số. Đó là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và New Zealand. Với Úc, báo cáo của Deloitte cho hay tác động của tình trạng này sẽ vượt cả mức độ tác động ở Nhật Bản, quốc gia vốn trải qua hàng thập niên chật vật với vấn đề lão hóa dân số. Dù vậy nhờ chính sách chào đón người nhập cư, nguy cơ Úc suy thoái kinh tế vì dân số già giảm trong nhiều thập niên tới.
Trải nghiệm của kinh tế Nhật cho thấy các nước sẽ có thêm nhiều cơ hội từ chính tình trạng già hóa dân số. Đơn cử, nhu cầu trong các lĩnh vực như điều dưỡng, hàng hóa tiêu dùng cho người cao tuổi, nhà ở và cơ sở hạ tầng xã hội phù hợp với người già, chương trình quản lý tài sản và bảo hiểm tăng cao. Tuy nhiên, châu Á vẫn cần điều chỉnh ít nhiều để xoay sở với thực tế mới.
tin liên quan
Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ dự kiến vượt Trung Quốc vào năm 2025Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng đáng kể trong 15 năm tới, vượt qua cả Nga và Trung Quốc.
Bình luận (0)