Trong cuộc triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021 được tổ chức ở thành phố Zhukovsky, bên ngoài thủ đô Moscow từ ngày 20-26.7, công ty sản xuất máy bay Nga Sukhoi đã trình làng mẫu chiến đấu cơ tàng hình Checkmate.
Sukhoi đã làm nổi bật khả năng tàng hình và và giá cả tương đối thấp của Checkmate, khẳng định chiến đấu cơ thế hệ 5 này có vận tốc tối đa hơn 2.400 km/giờ, tầm hoạt động 3.000 km và khả năng chở tối đa 7,4 tấn vũ khí, nhiên liệu.
Dự kiến, máy bay Checkmate thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2023 và việc giao hàng có thể bắt đầu vào năm 2026. Nga có kế hoạch sản xuất 300 chiếc Checkmate trong 15 năm để thay thế đội máy bay chiến đấu lão hóa, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Thông tin chi tiết về công nghệ được sử dụng cho chiến đấu cơ Checkmate chưa được công bố, nhưng nhà phân tích quân sự Trung Quốc Ngụy Đông Húc nhận định thiết kế về khí động lực của máy bay mới cho thấy nó có khả năng tàng hình tốt hơn Su-57, chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên của Nga và đã được đưa vào sử dụng vào cuối năm ngoái.
|
Ngoài Su-57, trên thế giới hiện nay chỉ có 3 loại chiến đấu cơ thế hệ 5 đang được sử dụng là J-20 của Trung Quốc, F-22 và F-35, đều do công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sản xuất. Trong đó, F-35 là máy bay tàng hình duy nhất hiện nay được xuất khẩu, nhưng số lượng bị giới hạn cho các đồng minh của Mỹ. Nhu cầu cao về F-35 cũng gây ra tình trạng không thể thực hiện đơn hàng đúng thời hạn vì dây chuyền sản xuất của Lockheed Martin chỉ có thể cho xuất xưởng 100-200 chiếc/năm, theo SCMP.
|
Ông Sergei Chemezov, lãnh đạo công ty quốc phòng và không gian vũ trụ nhà nước Nga Rostec, đơn vị hợp tác với Sukhoi phát triển Checkmate, cho hay Checkmate có giá từ 25-30 triệu USD, thấp hơn nhiều so với giá bán ít nhất 100 triệu USD của F-35. Ông Chemezov cho rằng Checkmate có thể sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nước ở Trung Đông, châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh.
Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình ở Hồng Kông dự đoán rằng quốc gia có khả năng mua Checkmate nhiều nhất là Ấn Độ. Nước này hiện là khách hàng lớn mua chiến đấu cơ Nga. Ấn Độ được cho là đã từng thảo luận với Lockheed Martin về việc mua F-35, nhưng các cuộc thảo luận đã không dẫn tới một thỏa thuận, theo SCMP. Tuy nhiên, New Delhi vẫn mong muốn có được một loại chiến đấu cơ thế hệ 5 theo sau các vụ đụng độ ở khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc hồi năm ngoái.
|
Sau vụ ẩu đả chết người giữa binh sĩ hai bên vào ngày 15.6.2020, Trung Quốc đã triển khai J-20 đến các sân bay tiền tuyến, nhưng Ấn Độ hiện chỉ có thể dùng chiến đấu cơ thế hệ 4,5 là Rafale, do Pháp chế tạo, để đối phó, theo SCMP.
Trong khi đó, tạp chí India Today dẫn lời một số chuyên gia nhận định dù Rafale là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 và Trung Quốc tuyên bố J-20 là chiến đấu cơ thế hệ 5, Rafale có đủ khả năng đối phó J-20.
Bình luận (0)