Ấn Độ siết chặt các mạng xã hội

27/02/2021 16:01 GMT+7

Ấn Độ đã có những động thái mới nhằm kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ ở thung lũng Silicon, thắt chặt các quy tắc chi phối cách thức các công ty truyền thông mạng xã hội và phát trực tuyến kinh doanh.

Theo Bloomberg, Bộ trưởng Tư pháp Ấn Độ Ravi Shankar Prasad cho biết các quy tắc mới có hiệu lực ngay lập tức này sẽ yêu cầu Facebook và Twitter gỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp nhanh hơn. Các ứng dụng nhắn tin có thể được yêu cầu cung cấp danh tính của người khởi tạo các tin nhắn bất hợp pháp trên nền tảng của họ, ngụ ý những ứng dụng như WhatsApp có thể phải phá vỡ mã hóa và làm loãng các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, YouTube của Google và Prime Video của Amazon.com phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các nội dung chứa cảnh khiêu dâm, bạo lực, ngôn ngữ lăng mạ… theo các quy định mới.

Chuyên gia: Úc "chơi rắn", bị Facebook "unfriend", nhưng báo chí vẫn chưa được lợi

Tăng cường kiểm soát

Ashutosh Sharma, giám đốc nghiên cứu tại Forrester Research cho biết, “chính phủ ở khắp mọi nơi đang cố gắng kiểm soát luồng thông tin tự do và không chuyển giao nó cho bất kỳ công ty mạng xã hội hoặc công nghệ nào. Chúng ta đang hướng tới một thế giới nơi truyền thông mạng xã hội sẽ được điều chỉnh theo cách này hay cách khác".
"Chi tiết của các quy tắc như thế này rất quan trọng và chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các quy tắc mới vừa được công bố. Facebook cam kết mọi người có thể tự do và an toàn thể hiện bản thân trên nền tảng của chúng tôi”, phát ngôn viên của Facebook Ấn Độ cho biết trong một phản hồi qua email. Trong khi đó đại diện địa phương của WhatsApp, Netflix, Amazon, Disney + Hotstar chưa đưa ra bình luận về các quy định mới.
Bộ trưởng Prasad cho biết các nền tảng truyền thông mạng xã hội lớn sẽ cần phải chỉ định một giám đốc tuân thủ, một người liên hệ cơ bản, một nhân viên giải quyết khiếu nại. Ông nói rằng các nền tảng sẽ được yêu cầu cung cấp báo cáo tuân thủ hằng tháng và các công ty có ba tháng để tuân thủ các quy định mới.

Kiểm duyệt gắt gao

Các quy tắc mới sẽ thay thế một quy tắc tồn tại trước đó từ năm 2011. Các phiên bản dự thảo được lưu hành gần đây đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà hoạt động tự do ngôn luận và các nhóm thương mại công nghệ lo ngại các quy tắc sẽ dẫn đến việc tăng cường kiểm duyệt và giảm quyền riêng tư của người dùng.

Ấn Độ cũng đang muốn "kiểm soát" Facebook

Ảnh: AFP

"Các quy tắc này có thể làm suy yếu các nguyên tắc internet mở và có thể truy cập. Điều khoản truy xuất nguồn gốc sẽ làm suy yếu các dịch vụ mã hóa đầu cuối được cung cấp bởi các nền tảng nhắn tin tức thời cũng như quyền riêng tư của thông tin liên lạc cá nhân”, Software Freedom Law Center (trung tâm luật tự do phần mềm) có trụ sở tại New Delhi cho biết trong một bình luận qua email.
Nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ sẽ hướng tới con số một tỉ người dùng vào năm 2025, thúc đẩy các tập đoàn có túi tiền lớn tranh giành thị phần trong nhiều mảng như bán lẻ trực tuyến, thanh toán kỹ thuật số, nhắn tin, truyền phát video trực tuyến…
Ông Prasad cho biết, tại Ấn Độ, Facebook hiện có hơn 410 triệu người sử dụng và dịch vụ nhắn tin WhatsApp của hãng có đến hơn 530 triệu người dùng, trong khi YouTube có 448 triệu người dùng, Instagram có 210 triệu và Twitter có 17,5 triệu.
Bên cạnh những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, các quy tắc mới - được gọi là nguyên tắc và quy tắc đạo đức truyền thông kỹ thuật số (Guidelines and Digital Media Ethics Code) - được thiết lập để ảnh hưởng đến một loạt công ty khởi nghiệp Ấn Độ. Ngoài phát trực tuyến và nhắn tin, bộ quy tắc này cũng sẽ đặt ra các nguyên tắc cho các nhà xuất bản kỹ thuật số về nội dung tin tức và thời sự.
Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ cho biết các nền tảng truyền thông xã hội ngày càng trở nên đầy rẫy những tin tức giả mạo và được sử dụng để làm tổn thương tình cảm tôn giáo. Cơ quan này cho biết, “trong những năm qua, việc tội phạm, các phần tử chống đối quốc gia lạm dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng đã đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan thực thi pháp luật. Chúng xúi giục tuyển mộ những kẻ khủng bố, lưu hành nội dung khiêu dâm, truyền bá bất hòa, gian lận tài chính, kích động bạo lực, trật tự công cộng…”.
Trong khi đó, tổ chức Internet Freedom Foundation cho biết trên website của mình rằng các quy tắc mới “có khả năng thay đổi cơ bản cách thức truy cập và sử dụng internet của hàng triệu người dùng trên khắp Ấn Độ. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu mã hóa sẽ làm suy yếu quyền riêng tư và bảo mật của tất cả người dùng”.

Facebook chặn người dùng ở Úc đọc và chia sẻ tin tức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.