Cơm lam ở Buôn Ma Thuột được ăn kèm với món gà nướng có cái tên kiêu sa là "gà sa lửa", với phần thịt gà vừa dai vừa ngon. Thêm một dĩa đọt trúc non xào với thịt bò thật ngọt vị nữa, tự nhiên thấy không muốn rời chân ra khỏi cái nắng cao nguyên này.
>> Ngọt ngào làng bưởi Tân Triều
>> Muôn màu ẩm thực trong chợ Lê Hồng Phong
|
Tôi đã từng đến Buôn Ma Thuột một lần trong chuyến công tác cuối mùa mưa hai năm trước. Nghe bạn bè kể lại rằng Tây Nguyên đẹp và nhiều món ngon lắm, nhưng thú thực lần ấy tôi chả cảm nhận được gì vì quá bận rộn, lại không có người địa phương dắt đi ăn. Vẫn còn tiêng tiếc, nên lần này khi bạn rủ về quê chơi là tôi cuốn ba lô đi liền, quyết tâm phải thấy được cái đẹp và cảm được cái ngon ấy một lần, cho đã.
Thật may, cái thú mê ăn mê chơi của tôi cũng được no nê bù khú một trận ra trò bởi những đặc sản đậm chất miền núi. Nếu có ai hỏi, tôi cũng có chút tự hào vì đã biết thế nào là cơm lam "gà sa lửa", là đọt trúc non.
Người ta bảo cơm lam chẳng phải món ăn cao cấp gì cả. Chỉ bởi các cụ ngày xưa đi rừng không có nồi mà nấu cơm, mới đành dùng ống tre ống nứa để có cái đựng gạo. Đến bữa tiện dùng nước suối rồi đánh lửa nấu thành cơm. Ai mà ngờ đâu nó lại thơm ngon đến mức khối kẻ ở đồng bằng phải ganh tị. Ngày nay, người ta phải làm nhiều cho thực khách thưởng thức nên món cơm làm này có thay đổi đôi chút, nhưng vẫn là hàng đặc sản ngon – bổ - hiếm.
Gạo dùng để nấu cơm lam phải là loại gạo nếp dẻo thơm, và ống nứa cũng phải là loại còn non. Những đoạn nứa được cắt độ chừng ba mươi phân, chỉ để hở một đầu, sau khi bỏ gạo vào rồi sẽ được vùi trên bếp lửa cho chín. Sở dĩ cần ống non để chất nước trong ống sẽ thôi ra gạo tạo mùi thơm. Ngày nay một số nhà hàng đổi cách chế biến, họ dùng ống tre đó hấp cho chín cơm trước, sau đó đập vỡ ống tre để lấy thanh cơm nướng trên bếp than. Lúc này cơm sẽ có lớp ngoài giòn bọc quanh phần cơm nếp dẻo thơm ở phía trong.
Cơm lam ở Buôn Ma Thuột mà bạn đãi khách được ăn kèm với món gà nướng có cái tên kiêu sa là "gà sa lửa", với phần thịt gà vừa dai vừa ngon. Thêm một dĩa đọt trúc non xào với thịt bò thật ngọt vị nữa, tự nhiên thấy không muốn rời chân ra khỏi cái nắng cao nguyên này.
|
Ăn đã khoái, nhưng Tây Nguyên đầu mùa mưa còn có thứ đặc biệt nữa. Đó là bươm bướm. Du khách có thể bắt gặp bươm bướm ở bất cứ đâu, phất phới trong cả những tán cây xù xì, trêu đùa cả bước chân của người đi trên phố. Cái buôn của người cha có con tên Thuột (ý nghĩa của chữ Buôn Ma Thuột theo tiếng Ê Đê) vì vậy mà vẫn quyến rũ lạ thường mặc dù không có mấy loài hoa như ở Đà Lạt. Anh tài xế bảo chúng tôi may mắn về đúng dịp này, vì bướm của sâu muồng chỉ rộ chừng một tháng đầu mùa mưa thôi.
Loanh quanh với bạn trong thành phố, đi chơi thác, về buôn Ako D’hong, buôn Kotam cho giống một du khách trước khi về ăn cơm nhà. Bạn bảo Tây Nguyên chưa hết đặc sản đâu, mà kể ra nhiêu đó cũng đủ nhớ và thèm rồi!
Thường Xuân (thực hiện)
Bình luận (0)