Ngày 15.6, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Anh Quốc (26 tuổi, ngụ Q.8) về tội “giết người”. Quốc đã tước đoạt đi mạng sống của anh N.V.T (41 tuổi, quê Cà Mau), một người con trai hiếu thảo đang phụng dưỡng mẹ già, mà nguyên nhân chỉ đơn giản xuất phát từ... tiếng loa kẹo kéo.
Người chết, lời hứa dở dang...
Tờ mờ sáng, chiếc xe chở gia đình bà M. (59 tuổi) từ Cà Mau lên TP.HCM đã đến tòa án. Mang di ảnh con trai nặng nề lê bước đi tìm phòng xử, bà M. ngậm ngùi nhớ lại: “Một tháng trước khi thằng T. mất có gọi điện thoại về nói đám giỗ nội không về được. Thằng T. lên thành phố làm công nhân, nó hứa sửa lại nhà cho tôi, nên khi nào để dành đủ tiền thì mới chịu về, nhưng giờ thì...”.
Nhiều vụ chết người chỉ vì tiếng loa kẹo kéoTháng 5.2017, anh N.C.C (H.Cần Giờ, TP.HCM) trong lúc nhậu có mở loa hát karaoke. Không chịu nổi tiếng ồn từ hàng xóm, Đặng Thanh Nhặn (32 tuổi) sang nhắc nhở, dẫn đến mâu thuẫn, xô xát. Trong lúc xô xát, Nhặn đánh vào vùng đầu anh C., là nguyên nhân chính khiến nạn nhân tử vong.
Khoảng 22 giờ ngày 28.12.2019, hai nhóm thanh niên đang nhậu tại phòng trọ sát nhau tại TP.Bạc Liêu thì nhóm của anh Nguyễn Khánh Duy (32 tuổi, ở P.5) có hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Do ồn ào, nhóm thanh niên nhậu phòng kế bên qua cự cãi. Bất ngờ, một thanh niên dùng dao đâm vào vùng cổ khiến anh Duy tử vong.
Tháng 4.2020, Nguyễn Thanh Khoa (30 tuổi, quê Bến Tre, trú tại Bình Chánh, TP.HCM) ngồi nhậu tại nhà anh N.V.D (25 tuổi) cùng dãy trọ với Khoa và một người bạn. Cả ba tổ chức hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Do ồn ào, ông B. ở cùng dãy trọ sang nhắc nhở thì hai bên cự cãi, dẫn đến xô xát. Khoa đã đâm chết ông B. và bị công an bắt giữ sau đó.
|
Theo cáo trạng, án mạng xảy ra ngày 16.6.2019, khi Nguyễn Anh Quốc cùng nhóm bạn đến bãi đất trống cạnh phòng trọ của một người bạn ở H.Bình Chánh (TP.HCM) để tổ chức uống bia và thuê loa kẹo kéo hát. Lát sau, anh T. ở trọ gần đó cũng kéo một chiếc loa kẹo kéo ra đối diện chỗ nhóm Quốc đang nhậu khoảng 30 m để mở nhạc. Bị anh T. mở nhạc lớn át đi tiếng loa của mình nên Quốc tới yêu cầu mở nhạc nhỏ lại, dẫn đến hai bên cự cãi. Khi được bà chủ trọ can ngăn, anh T. tắt nhạc rồi đi về. Phần Quốc, do vẫn còn hậm hực nên khi anh T. về liền đi theo đánh anh T. ngã. Mọi người can ngăn, anh T. bỏ chạy nhưng vẫn bị Quốc lấy một cây kéo đuổi theo đâm 2 nhát vào lưng dẫn đến tử vong.
... Kẻ phải nhận án tử hình
“Con tôi chết đau đớn quá”, bà M. ngồi ở hàng ghế bị hại, quệt nước mắt sau khi nghe công tố viên đại diện Viện KSND TP.HCM thuật lại hành vi phạm tội của bị cáo. Phía dưới, những người thân của anh T. cũng cố kìm xúc động.
“Giữa bị cáo và bị hại có quen biết hay mâu thuẫn từ trước không?”, công tố viên xét hỏi. “Không”, Quốc lắc đầu trả lời một cách ngắn gọn. “Bãi đất trống là nơi mọi người có thể đến chơi, bị cáo lấy quyền gì mà không cho người ta mở nhạc, rồi đâm chết người ta?”. Sau câu hỏi của công tố viên, những ánh mắt tò mò của người tham dự phiên tòa đổ dồn về phía Quốc.
Trả lời trước tòa, Quốc khai: “Bị hại kéo loa ra mở nhạc làm át đi tiếng loa của bị cáo nên bị cáo kêu quay loa đi chỗ khác, vặn nhỏ lại, rồi cãi vã, bị cáo tức quá nên...”. “Có lý do vậy thôi mà giết người hả?”, công tố viên cắt lời. Quốc lí nhí trong miệng rằng “do uống say và có sử dụng ma túy trước đó nên bị cáo không làm chủ được bản thân”.
Câu trả lời của Quốc khiến phòng xử rộ lên tiếng xì xào, bàn tán. Có lẽ, ít ai nghĩ lý do bị cáo giết người lại đơn giản đến vậy. Hai người đàn ông không hề quen biết, chỉ vì chút cãi vã việc mở loa kẹo kéo mà người mất mạng, kẻ đối diện án phạt nặng nề.
Giọng công tố viên nghiêm nghị vang lên, át những tiếng xì xào: “Bị hại cũng đã tắt nhạc đi về, sao còn đuổi theo mà đâm chết người ta?”. Quốc cúi đầu, im lặng. “Tôi nhắc cho bị cáo nhớ, vết đâm đầu tiên của bị cáo, bị hại vẫn còn cơ hội sống sót. Nhưng bị cáo muốn truy sát bị hại đến cùng nên quyết đuổi theo rồi đâm thêm nhát thứ hai khiến bị hại mất máu quá nhiều mà chết. Một hành vi quá tàn ác”, đại diện Viện KSND nhấn mạnh. Lúc này, Quốc mới quay lại nhìn gia đình bị hại, miệng lí nhí: “Bị cáo biết mình sai, đã gây ra mất mát quá lớn cho gia đình bị hại...”.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên bị cáo án tử hình. “Hành vi của bị cáo mang tính côn đồ, xem thường mạng sống người khác chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà tước đoạt tính mạng của nạn nhân đến cùng nên cần phải loại bỏ bị cáo vĩnh viễn khỏi xã hội”, chủ tọa tuyên án.
Mất mát không thể bù đắp
Bị cáo Quốc phải nhận mức án tử hình, nhưng đối với bà M. nỗi đau mất con chẳng thể nào bù đắp. Ngày đưa con về nhà an táng, hàng xóm đều đau buồn, xót thương cho số phận bà vì đã mất đi một người con hiếu thảo. “Nó là con trai cả và cũng là đứa con ngoan hiền nhất trong nhà. Nhiều năm qua, tôi có la rầy, dạy bảo, nó đều không cãi lại. Gần 3 năm nay, nó lên thành phố làm công nhân để kiếm tiền lo cho gia đình. Cứ một tháng lại về thăm mẹ một lần, trước khi về còn gọi hỏi xem mẹ thích gì rồi mua về biếu...”, bà M. bật khóc khi nhớ về con trai. “Nó đi làm cực khổ lắm, lương 7 triệu thì gửi về nhà hết 4 triệu, ăn uống thì tằn tiện, gói ghém. Ngày nó mất, còn không biết nó có được bữa no không nữa...”.
Phiên tòa đã vãn từ lâu, chiếc điện thoại trên tay bà M. đổ chuông liên hồi, nhưng đó chỉ là những cuộc gọi hỏi thăm từ những người họ hàng. Không còn cuộc gọi nào từ đứa con cả ngoan hiền nữa, từ hơn 1 năm nay...
Bình luận (0)