Nghẹn... thạch rau câu
Hôm nay (6.3), bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết tuần qua, bệnh viện ghi nhận một trường hợp trẻ tử vong do ngạt thạch rau câu.
Bé trai 5 tuổi (thể chất tốt, ngụ quận 10, TP.HCM) nhập viện cấp cứu trong tình trạng cơ thể đã tím tái, ngưng tim ngưng thở, thiếu oxy lên não.
Theo lời người nhà báo với bác sĩ, bé đang ăn thạch rau câu nhưng có lẽ do bé mút mạnh nên nguyên miếng thạch rau câu chạy tọt sâu trong cổ họng, khiến mắc nghẹn, gây nghẹt thở. Người nhà đã cố gắng vỗ lưng, ấn ngực để đẩy miếng thạch ra ngoài nhưng không được. Khi đưa đến bệnh viện, bé đã ngưng tim, ngưng thở, tím tái. Trong đường thở của bé còn miếng thạch rau câu bị chắn ngang.
Mặc dù, các bác sĩ đã cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng không thể cứu được cháu bé.
tin liên quan
Cầm muỗng chơi, em bé bị đâm rách thực quảnCầm chiếc muỗng chơi, bé gái 16 tháng tuổi bị xốc muỗng, đâm rách toạc thực quản dài 7 cm.
Bác sĩ Phương cho biết thêm cách đây 2 năm, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng từng tiếp nhận một trường hợp trẻ ăn thạch rau câu bị hóc, gây ngạt đường thở tương tự. Cháu bé khi đó được cứu sống nhưng di chứng để lại rất nặng nề, gần như bại não (do não bị thiếu oxy một thời gian).
“Các gói thạch rau câu (loại đựng trong hủ nhựa nhỏ, có lớp nilon bịt kín ở trên, trẻ lột lớp nilon và bóp, mút rau câu vào miệng) rất dễ gây hóc, ngạt đường thở cho trẻ khi mút mạnh, miếng thạch chạy tọt vô cổ họng. Ngoài ra, các loại hạt trân châu trong trà sữa cũng dễ gây hóc, ngạt cho trẻ tương tự. Đối với trẻ nhỏ còn uống sữa, bệnh viện cũng thường tiếp nhận những ca ngạt vì sặc sữa, có ca tử vong”, bác sĩ Phương đánh giá.
Cẩn trọng với thức ăn của trẻ
Thạch rau câu là món ăn vặt quen thuộc, khoái khẩu của nhiều trẻ em. Nhiều phụ huynh vẫn chủ quan, cho rằng thạch mềm, dễ ăn nên không nghĩ đến khả năng trẻ có thể bị hóc với thức ăn này.
Tuy nhiên, thực tế lại khác. Bác sĩ Phương giải thích: Khi ăn loại thạch rau câu này hay uống trà sữa trân châu, trẻ phải hút/mút mạnh để lấy thực phẩm vào miệng. Khi hút mạnh, nắp thanh môn (trong cổ họng) mở to, cùng với độ trơn của miếng thạch, chúng dễ dàng chạy tọt vào trong cổ, lọt vào đường thở, chắn ngang gây ngạt thở.
|
Theo bác sĩ Phương, những dị vật có góc cạnh thường khi bị hóc vẫn còn khe hở, trẻ có thể tiếp tục thở được. Đối với những vật thể tròn, trơn, nhẵn như thạch rau câu, khi rơi xuống thanh quản, đường thở thì càng khít. Đặc biệt, do thạch mềm dẻo nhưng dai nên có thể biến đổi hình dạng, dễ dàng bít kín đường thở. Các trường hợp này gây ngạt càng nhanh và gây tử vong.
“Chỉ cần trong vòng 4 phút mà không xử trí, mở đường thở, cung cấp oxy, máu lên não cho trẻ là bệnh nhân đã rơi vào nguy kịch, khó cứu được hay có may mắn cứu được mạng sống thì trẻ cũng bị tổn thương não nặng nề”, bác sĩ Phương thông tin.
tin liên quan
Chơi đùa bị té đập mặt, trẻ chịu di chứng, tổn thương cả đờiNhiều trường hợp trẻ đùa giỡn hay tai nạn giao thông bị té đập mặt gây chấn thương nghiêm trọng. Tổn thương vùng mặt không chỉ để lại di chứng thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng chức năng, biểu lộ cảm xúc của trẻ lâu dài.
Vì vậy, bác sĩ Phương khuyến cáo: Người lớn tuyệt đối không để trẻ nhỏ chơi các vật có thể nhét vừa vào miệng. Khi cho trẻ ăn các loại trái cây trơn như nhãn, vải… phải bỏ hạt, cắt nhỏ từng miếng. Đặc biệt, với thạch rau câu, người lớn phải hết sức thận trọng, chia nhỏ từng phần trước khi cho trẻ ăn. Trẻ dưới 5 tuổi ăn rau câu, trân châu phải có sự giám sát của người lớn.
Trong trường hợp trẻ bị hóc thạch rau câu hay bất kì dị vật nào khác, có thể lấy dị vật ra bằng cách vỗ lưng, ấn ngực,... nhằm tạo áp lực mạnh, đột ngột trong lồng ngực và đường thở để tống dị vật ra ngoài.
“Tuyệt đối không được dùng tay móc họng trẻ nhằm tránh nguy cơ đẩy dị vật vào sâu hơn”, bác sĩ Phương lưu ý.
Nếu thấy trẻ khó thở, ngưng tim phải nhanh chóng hà hơi, thổi ngạt, nhồi tim để đưa không khí vào cơ thể cho trẻ. Đồng thời, gọi cấp cứu, đưa đến bệnh viện. Các việc này phải làm đồng thời, càng nhanh càng tốt.
tin liên quan
'Ông tiên' hồi sinh những bệnh nhi nguy kịchCó những ca không ai nghĩ bệnh nhân có thể qua khỏi. Thế nhưng các bé đã được cứu sống một cách ngoạn mục, phục hồi kỳ diệu. Có một 'ông tiên' đứng chính ở bàn mổ đã tạo nên những phép màu đó.
Bình luận (0)